Sunday, September 5, 2010

KINH TRÍ

[451a] Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Tỳ-kheo Mâu-lợi-phá-quần-nậu[26] xả giới, bỏ đạo. Tỳ-kheo Hắc Xỉ[27] nghe Tỳ-kheo Mâu-lợi-phá-quần-nậu, xả giới, bỏ đạo, liền đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, cúi đầu lạy dưới chân rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xong, thưa rằng:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, ngài nên biết Tỳ-kheo Mâu-lợi-phá-quần-nậu, xả giới, bỏ đạo”.

Tôn giả Xá-lợi-phất nói rằng:

“Tỳ-kheo Mâu-lợi-phá-quần-nậu có vui thích ở trong giáo pháp không?”

Tôn giả Hắc Xỉ hỏi lại rằng:

“Tôn giả Xá-lợi-phất có vui thích ở trong giáo pháp này không?”

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời rằng:

“Này Hắc Xỉ, tôi không hề có sự nghi hoặc đối với giáo pháp này”.

Tỳ-kheo Hắc Xỉ lại hỏi rằng:

“Tôn giả Xá-lợi-phất đối với những việc trong tương lai thì như thế nào?”

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời rằng:

“Tôi đối với những việc trong tương lai thì cũng không có gì do dự”.

Tỳ-kheo Hắc Xỉ nghe vậy rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến chỗ Phật cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi xuống một bên, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tôn giả Xá-lợi-phất vừa rồi tự tuyên bố là chứng đắc trí[28], biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa.’”

Đức Thế Tôn nghe xong bảo một vị Tỳ-kheo:

“Ngươi hãy đến chỗ Xá-lợi-phất nói rằng ‘Đức Thế Tôn muốn gọi Thầy.’”

Tỳ-kheo ấy vâng lời Phật dạy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy lạy Phật rồi đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất thưa rằng:

“Đức Thế Tôn gọi Tôn giả Xá-lợi-phất”.

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi liền đi đến trước Phật, cúi đầu lễ rồi ngồi xuống một bên. Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Xá-lợi-phất, có thật vừa rồi thầy tự tuyên bố là chứng đắc trí, biết như thật, rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’ chăng?”

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, không phải với lời văn ấy, không phải đi với câu ấy mà con nói về nghĩa ấy”.

Đức Thế Tôn bảo:

“Này Xá-lợi-phất, một thiện nam tử tùy phương tiện[29] mà tuyên thuyết, hễ có chứng đắc trí, thì tuyên bố chứng đắc trí”.

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con vừa nói không phải với lời ấy, không phải với câu ấy mà con nói về nghĩa ấy”.

Đức Thế Tôn hỏi:

Này Xá-lợi-phất nếu có đồng phạm hạnh nào đến hỏi thầy thế này: ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, biết thế nào, thấy thế nào, để có thể tự tuyên bố là chứng đắc trí, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn [451b] tái sanh nữa?’ Này Xá-lợi-phất nghe như vậy thầy sẽ trả lời sao?”

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu có đồng phạm hạnh đến hỏi con rằng: ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, biết thế nào, thấy thế nào, để có thể tự tuyên bố là chứng đắc trí, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa?’ Bạch Thế Tôn, nếu có đồng phạm hạnh đến hỏi con như vậy, con sẽ trả lời như vầy: ‘Chư Hiền, sanh có nhân. Nhân của sự sanh ấy diệt tận, thì biết nhân của sự sanh diệt tận; tôi tự tuyên bố là chứng đắc trí, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa?’ Bạch Thế Tôn nếu có đồng phạm hạnh đến hỏi con như vậy, con sẽ trả lời như thế”.

Đức Thế Tôn khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi như thế, thầy nên trả lời như vậy. Vì sao thế? Vì nói như thế nên biết đó là nghĩa”.

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Xá-lợi-phất, nếu có đồng phạm hạnh đến hỏi thầy thế này: ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, sự sanh[30] do nhân gì, duyên gì, sanh gì, căn bản gì[31]?” Thầy nghe những câu hỏi đó, trả lời như thế nào?”

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:

“Bạch Thế Tôn, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi con rằng: ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, sự sanh từ nhân gì, từ nhân gì, duyên gì, sanh gì, căn bản gì?” Con nghe như vậy sẽ trả lời rằng: ‘Này Chư Hiền, sự sanh từ nhân là hữu, từ duyên là hữu, từ sanh là hữu, từ căn bản là hữu’. Bạch Thế Tôn, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi con như thế, con sẽ trả lời như vậy”.

Đức Thế Tôn khen:

“Hay thay! Hay thay! Xá-lợi-phất, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi thầy như thế, thầy nên trả lời như thế. Vì sao thế? Vì nói như vậy nên biết đó là nghĩa”.

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Xá-lợi-phất, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi thầy thế này: ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, hữu từ nhân gì, duyên gì, sanh gì, căn bản gì?’ Thầy nghe những lời ấy sẽ trả lời thế nào?”

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi con rằng ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, hữu từ nhân gì, duyên gì, sanh gì, căn bản gì?’ Bạch Thế Tôn con nghe như vậy, con sẽ trả lời thế này: ‘Này Chư Hiền, hữu từ nhân là thủ, [32] duyên là thủ, sanh gì, căn bản là thủ.’ Bạch Thế Tôn, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi con như thế, con sẽ trả lời như vậy.”

Đức Thế Tôn khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Xá-lợi-phất, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi thầy như thế, thầy nên trả lời như thế. Vì sao thế? [451c] Vì nói như vậy nên biết đó là nghĩa”.

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Xá-lợi-phất, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi thầy thế này: ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, thủ từ nhân gì, duyên gì, sanh gì, căn bản gì?’ Thầy nghe những lời ấy sẽ trả lời thế nào?”

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi con rằng ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, thủ từ nhân gì, duyên gì, sanh gì, căn bản gì?” Bạch Thế Tôn, con nghe như vậy, con sẽ trả lời thế này: ‘Này Chư Hiền, thủ từ nhân là ái, duyên là ái, sanh là ái, căn bản là ái’. Bạch Thế Tôn, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi con như thế, con sẽ trả lời như vậy”.

Đức Thế Tôn khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Xá-lợi-phất, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi thầy như thế, thầy nên trả lời như thế. Vì sao thế? Vì nói như vậy nên biết đó là nghĩa”.

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Xá-lợi-phất, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi thầy thế này: ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, thế nào là ái?’[33] Thầy nghe những lời ấy sẽ trả lời thế nào?”

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi con rằng ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, thế nào là ái?” Bạch Thế Tôn, con nghe như vậy, con sẽ trả lời thế này: ‘Này Chư Hiền, có ba cảm thọ[34]: cảm thọ lạc, cảm thọ khổ, cảm thọ không lạc không khổ. Ở trong đó mà ham muốn, đắm trước, đó gọi là ái’. Bạch Thế Tôn, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi con như thế, con sẽ trả lời như vậy”.

Đức Thế Tôn khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Xá-lợi-phất, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi thầy như thế, thầy nên trả lời như thế. Vì sao thế? Vì nói như vậy nên biết đó là nghĩa”.

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Xá-lợi-phất, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi thầy thế này: ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, biết thế nào, thấy thế nào để đối với ba thọ không ham muốn, đắm trước?” Thầy nghe vậy rồi trả lời thế nào?”

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi rằng: ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, biết thế nào, thấy thế nào để đối với ba thọ không ham muốn, đắm trước?’ Nghe vậy rồi, con sẽ trả lời rằng: ‘Này Chư Hiền, ba thọ này là pháp vô thường pháp khổ, pháp diệt. Pháp vô thường tức là khổ; thấy khổ rồi liền không còn ham muốn, đắm trước đối với ba thọ’. Bạch Thế Tôn, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi như thế, con sẽ trả lời như vậy”.

Đức Thế Tôn khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Xá-lợi-phất, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi thầy như thế, thầy nên trả lời như thế. Vì sao thế? [452a] Vì nói như vậy nên biết đó là nghĩa”.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Này Xá-lợi-phất, lời nói này còn có ý nghĩa nữa để lời nói ấy có thể trả lời vắn tắt. Này Xá-lợi-phất, những gì được cảm thọ, những gì được tạo tác, thảy đều là khổ[35]. Này Xá-lợi-phất, đó gọi là còn một ý nghĩa nữa để lời nói ấy có thể được trả lời vắn tắt”.

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Xá-lợi-phất, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi thầy thế này: ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, bội xả[36] thế nào để tự tuyên bố là chứng đắc trí, biết như thật, rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa?’”

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa rằng: “Bạch Thế Tôn, nếu có đồng phạm hạnh đến hỏi con thế này: ‘Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, bội xả thế nào để tự tuyên bố là chứng đắc trí, biết như thật, rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa?’ Con nghe như vậy sẽ trả lời thế này: ‘Này Chư Hiền, tôi do bội xả bên trong[37] mà diệt tận các ái[38], không kinh hãi, không sợ sệt, không nghi, không hoặc, thực hành sự thủ hộ như vậy. Thủ hộ như thế rồi không sanh ra lậu bất thiện[39]’. Bạch Thế Tôn, nếu các đồng phạm hạnh hỏi con như thế, con sẽ trả lời như vậy.”

Đức Thế Tôn khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Xá-lợi-phất, nếu các đồng phạm hạnh đến hỏi thầy như thế, thầy nên trả lời như thế. Vì sao thế? Vì nói như vậy nên biết đó là nghĩa”.

Đức Phật bảo rằng:

“Này Xá-lợi-phất, lời nói này còn có ý nghĩa nữa để lời nói ấy có thể trả lời vắn tắt. ‘Đối với những kết sử mà Sa-môn nói đến[40], những kết sử ấy không tồn tại nơi ta, thực hành sự thủ hộ như vậy; thủ hộ như thế rồi không còn sanh ra lậu bất thiện nữa’. Này Xá-lợi-phất, đó gọi là còn có ý nghĩa nữa để lời nói ấy có thể trả lời vắn tắt”.

Đức Thế Tôn nói như vậy rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào tịnh thất tĩnh tọa. Sau khi Đức Thế Tôn đi vào tịnh thất chẳng bao lâu, Tôn giả Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Này Chư Hiền, thoạt tiên tôi chưa kịp gợi ý mà Đức Thế Tôn lại hỏi ý nghĩa đó, tôi đã nghĩ rằng sợ không trả lời được. Này Chư Hiền, khi tôi nói ra ý nghĩa thứ nhất liền được Đức Thế Tôn tán thán, tôi lại nghĩ thế này: ‘Nếu Đức Thế Tôn trong một ngày một đêm, với những lời khác với những câu khác, mà hỏi tôi về nghĩa này, thì tôi vẫn có thể trong một ngày một đêm, với những lời khác, câu khác mà trả lời Đức Thế Tôn về nghĩa ấy. Nếu Đức Thế Tôn trong hai, ba, bốn ngày cho đến bảy ngày bảy đêm với những lời khác câu khác mà hỏi tôi về nghĩa này, thì tôi vẫn có thể trong hai, ba, bốn cho đến bảy ngày bảy đêm với những lời khác, câu khác mà trả lời Đức Thế Tôn về [452b] nghĩa ấy’.”

Tỳ-kheo Hắc Xỉ nghe Tôn giả Xá-lợi-phất nói những lời ấy rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vội đến chỗ Phật bạch rằng:

“Sau khi Thế Tôn vào tịnh thất chẳng bao lâu, Tôn giả Xá-lợi-phất nói rất to chẳng thua gì tiếng rống của sư tử, rằng: ‘Này Chư Hiền, thoạt tiên tôi chưa kịp gợi ý mà Đức Thế Tôn lại hỏi ý nghĩa đó, tôi đã nghĩ rằng sợ không trả lời được. Này Chư Hiền, khi tôi nói ra ý nghĩa thứ nhất liền được Đức Thế Tôn tán thán, tôi lại nghĩ thế này: Nếu Đức Thế Tôn trong một ngày một đêm, với những lời khác với những câu khác, mà hỏi tôi về nghĩa này, thì tôi vẫn có thể trong một ngày một đêm, với những lời khác, câu khác mà trả lời Đức Thế Tôn về nghĩa ấy. Nếu Đức Thế Tôn trong hai, ba, bốn ngày cho đến bảy ngày bảy đêm với những lời khác câu khác mà hỏi tôi về nghĩa này, thì tôi vẫn có thể trong hai, ba, bốn cho đến bảy ngày bảy đêm với những lời khác, câu khác mà trả lời Đức Thế Tôn về nghĩa ấy’.”

Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Này Hắc Xỉ, thật như vậy! Thật như vậy! Nếu Ta trong một ngày một đêm, với những lời khác với những câu khác, mà hỏi Tỳ-kheo Xá-lợi-phất về nghĩa này, thì Tỳ-kheo Xá-lợi-phất vẫn có thể trong một ngày một đêm, với những lời khác, câu khác mà trả lời Ta về nghĩa ấy. Này Hắc Xỉ, nếu Ta trong hai, ba, bốn ngày cho đến bảy ngày bảy đêm với những lời khác câu khác mà hỏi Tỳ-kheo Xá-lợi-phất về nghĩa này, thì Tỳ-kheo Xá-lợi-phất vẫn có thể trong hai, ba, bốn cho đến bảy ngày bảy đêm với những lời khác, câu khác mà trả lời Ta về nghĩa ấy. Vì sao thế? Này Hắc Xỉ, Tỳ-kheo Xá-lợi-phất đã thấu đạt sâu xa về pháp giới[41] vậy”.

Phật thuyết như vậy, Tôn giả Xá-lợi-phất và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

No comments: