Wednesday, October 27, 2010

KINH VỊ TẰNG HỮU PHÁP

PHẨM 4:
PHÁP VỊ TẰNG HỮU

TỤNG NGÀY THỨ NHẤT

未曾有.侍者  

薄拘.阿修羅

地動.及瞻波  

郁伽.手各二

Kệ tóm tắt:

Vị tằng hữu, Thị giả,

Bạc-câu, A-tu-la,

Địa động, và Chiêm-ba,

Úc-già, Thủ, đều hai.

32. KINH VỊ TẰNG HỮU PHÁP

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, vào lúc xế chiều, Tôn giả A-nan rời tĩnh tọa đứng dậy, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, rồi đứng qua một bên, thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, con nghe rằng,[1] Đức Thế Tôn vào thời Phật Ca-diếp bắt đầu phát nguyện Phật đạo, tu hành phạm hạnh. Nếu Thế Tôn vào thời Phật Ca-diếp bắt đầu phát nguyện Phật đạo, tu hành phạm hạnh; con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Thế Tôn.

“Con nghe rằng, Đức Thế Tôn vào thời Phật Ca-diếp bắt đầu phát nguyện Phật đạo, tu hành phạm hạnh và sinh lên cõi trời Đâu-suất. Nếu Đức Thế Tôn vào thời Phật Ca-diếp bắt đầu phát nguyện Phật đạo, tu hành phạm hạnh và sinh lên cõi trời Đâu-suất; con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.

“Con nghe rằng, Đức Thế Tôn vào thời Phật Ca-diếp[2] [470a] bắt đầu phát nguyện Phật đạo, tu hành phạm hạnh và sinh lên cõi trời Đâu-suất. Thế Tôn sinh lên sau nhưng có ba việc thù Thắng Lâm hơn các vị trời sinh trước. Đó là thọ mạng, dung sắc và vinh dự nhà trời. Do đó nên các vị trời Đâu-suất vui mừng hớn hở, tán thán rằng: ‘Kỳ diệu thay, hy hữu thay, vị Thiên tử này có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần. Vì sao vậy? Vì vị ấy sinh đến đây sau nhưng có ba việc thù Thắng Lâm hơn những vị trời Đâu-suất đã sinh đến trước; đó là thọ mạng, dung sắc và vinh dự nhà trời. Nếu Đức Thế Tôn vào thời Phật Ca-diếp bắt đầu phát nguyện Phật đạo, tu hành phạm hạnh và sinh lên cõi trời Đâu-suất. Thế Tôn sinh lên sau nhưng có ba việc thù Thắng Lâm hơn các vị trời sinh trước. Đó là thọ mạng, dung sắc và vinh dự nhà trời. Do đó nên các vị trời Đâu-suất vui mừng hớn hở, tán thán rằng: ‘Kỳ diệu thay, hy hữu thay, vị thiên tử này có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần. Vì sao vậy? Vì vị ấy sinh đến đây sau nhưng có ba việc thù Thắng Lâm hơn những vị trời Đâu-suất đã sinh đến trước; đó là thọ mạng, dung sắc và vinh dự nhà trời. Thế thì con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.

“Con nghe rằng, Đức Thế Tôn mạng chung ở trời Đâu-suất, biết sẽ vào thai mẹ, lúc ấy chấn động tất cả đất trời, có ánh sáng vi diệu quảng đại chiếu khắp thế gian cho đến chỗ u tối, cũng không có gì ngăn che được; nghĩa là nơi nào mặt trời, mặt trăng này dù có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, cũng không chiếu rọi ánh sáng đến được, thì tất cả nơi ấy đều được chiếu ngời. Chúng sanh ở các nơi ấy do thấy ánh sáng nhiệm mầu này đều mỗi mỗi phát sanh nhận thức rằng: ‘Có một chúng sanh kỳ diệu, hy hữu ra đời! Có một chúng sanh kỳ diệu, hy hữu ra đời[3]!’ Nếu Đức Thế Tôn mạng chung ở trời Đâu-suất, biết sẽ vào thai mẹ, lúc ấy chấn động tất cả đất trời, có ánh sáng vi diệu quảng đại chiếu khắp thế gian cho đến chỗ u tối, cũng không có gì ngăn che được; nghĩa là nơi nào mặt trời, mặt trăng này dù có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, cũng không chiếu rọi ánh sáng đến được, thì tất cả nơi ấy đều được chiếu ngời. Chúng sanh ở các nơi ấy do thấy ánh sáng nhiệm mầu này đều mỗi mỗi phát sanh nhận thức rằng: ‘Có một chúng sanh kỳ diệu, hy hữu ra đời! Có một chúng sanh kỳ diệu, hy hữu ra đời!’ Thì con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.

“Con nghe rằng, Đức Thế Tôn biết mình trụ trong thai mẹ, tựa vào hông bên phải. Nếu Đức Thế Tôn biết mình trụ trong thai mẹ, tựa vào hông bên phải, thì con xin thọ trì pháp vị tằng hữu này của Đức Thế Tôn.

“Con nghe rằng, Đức Thế Tôn hình thể duỗi dài[4] trụ trong thai mẹ. Nếu Đức Thế Tôn hình thể duỗi dài trụ trong thai mẹ, [470b] thì con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.

“Con nghe rằng, Đức Thế Tôn, được bao che, trụ trong thai mẹ, không bị máu bẩn làm cho cấu uế, cũng không bị tinh khí các thứ bất tịnh khác làm cho cấu uế. Nếu Đức Thế Tôn, được bao che, trụ trong thai mẹ, không bị máu bẩn làm cho cấu uế, cũng không bị tinh khí bất tịnh khác làm cho cấu uế; thì con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.

“Con nghe rằng, Đức Thế Tôn biết mình ra khỏi thai mẹ, lúc ấy chấn động tất cả đất trời, có ánh sáng vi diệu quảng đại chiếu khắp thế gian cho đến chỗ u tối, cũng không có gì ngăn che được; nghĩa là nơi nào mặt trời, mặt trăng này dù có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, cũng không chiếu rọi ánh sáng đến được, thì tất cả nơi ấy đều được chiếu ngời. Chúng sanh ở các nơi ấy do thấy ánh sáng nhiệm mầu này đều mỗi mỗi phát sanh nhận thức rằng: ‘Có một chúng sanh kỳ diệu, hy hữu ra đời! Có một chúng sanh kỳ diệu, hy hữu ra đời!’ Nếu Đức Thế Tôn biết mình ra khỏi thai mẹ, lúc ấy chấn động tất cả đất trời, có ánh sáng vi diệu quảng đại chiếu khắp thế gian cho đến chỗ u tối, cũng không có gì ngăn che được; nghĩa là nơi nào mặt trời, mặt trăng này dù có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, cũng không chiếu rọi ánh sáng đến được, thì tất cả nơi ấy đều được chiếu ngời. Chúng sanh ở các nơi ấy do thấy ánh sáng nhiệm mầu này đều mỗi mỗi phát sanh nhận thức rằng: ‘Có một chúng sanh kỳ diệu, hy hữu ra đời! Có một chúng sanh kỳ diệu, hy hữu ra đời!’ Thì con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.

“Con nghe rằng, Đức Thế Tôn thân thể duỗi dài[5] mà ra khỏi thai mẹ. Nếu Đức Thế Tôn thân thể duỗi dài mà ra khỏi thai mẹ thì con xin thọ trì pháp vị tằng hữu này của Đức Thế Tôn.

“Con nghe rằng, Đức Thế Tôn được bao che khi ra khỏi thai mẹ, không bị máu bẩn làm cho cấu uế, cũng không bị tinh khí và các vật bất tịnh khác làm cho cấu uế. Nếu Đức Thế Tôn được bao che khi ra khỏi thai mẹ, không bị máu bẩn làm cho cấu uế, cũng không bị tinh khí và các thứ bất tịnh khác làm cho cấu uế; thì con xin thọ trì pháp vị tằng hữu này của Đức Thế Tôn.

“Con nghe rằng, khi Đức Thế Tôn mới sanh ra, có bốn vị thiên tử, tay cầm tấm vải rất mịn đứng trước thai mẹ, làm cho người mẹ hoan hỷ, tán thán rằng: “Đồng tử này rấy kỳ diệu, rất hy hữu, có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hữu, có đại oai thần’. Nếu như Đức Thế Tôn mới sanh ra, có bốn vị thiên tử, tay cầm tấm vải rất mịn đứng trước thai mẹ, làm cho người mẹ hoan hỷ, tán thán rằng: “Đồng tử này rấy kỳ diệu, rất hy hữu, có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hữu, có đại oai thần’. Thì con xin thọ trì pháp vị tằng hữu này của Đức Thế Tôn.

“Con nghe rằng, khi Đức Thế Tôn vừa mới sanh ra, liền đi bảy bước không khiếp sợ, không kinh hãi, [470c] quan sát các phương. Nếu Thế Tôn vừa mới sanh ra, liền đi bảy bước không khiếp sợ, không kinh hãi, quan sát các phương; thì con xin thọ trì pháp vị tằng hữu này của Đức Thế Tôn.

“Con nghe rằng, khi Đức Thế Tôn vừa mới sanh ra, thì ngay phía trước người mẹ bỗng hiện một hồ nước lớn, nước đầy tràn bờ, làm cho người mẹ ở nơi ấy được thọ dụng thanh tịnh. Nếu Thế Tôn vừa mới sanh ra, thì ngay phía trước người mẹ bỗng hiện một hồ nước lớn, nước đầy tràn bờ, làm cho người mẹ ở nơi ấy được thọ dụng thanh tịnh; con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.

“Con nghe rằng, khi Đức Thế Tôn vừa mới sanh ra, từ trên hư không nước mưa rưới xuống, một ấm, một lạnh, để tắm thân thể của Thế Tôn. Nếu khi Đức Thế Tôn vừa mới sanh ra, từ trên hư không nước mưa rưới xuống, một ấm, một lạnh, để tắm thân thể của Thế Tôn; con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.

“Con nghe rằng, khi Đức Thế Tôn vừa mới sanh ra, Chư Thiên ở trên hư không tấu lên âm nhạc của trời; hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen đỏ, hoa sen trắng và hoa văn-đà-la của trời, và bột hương chiên-đàn được rải lên Đức Thế Tôn. Nếu khi Đức Thế Tôn vừa mới sanh ra, Chư Thiên ở trên hư không tấu lên âm nhạc của trời; hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen đỏ, hoa sen trắng và hoa văn-đà-la của cõi trời, và bột hương chiên-đàn được rải lên Đức Thế Tôn; con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.

“Con nghe rằng, Đức Thế Tôn,[6] ở tại nhà của cha là Bạch Tịnh vương, vào một ngày đi dự lễ hạ điền, ngồi dưới gốc cây diêm-phù, ly dục, ly ác bất thiện pháp, có tầm có tứ, có hỷ lạc phát sanh do viễn ly, nhập Sơ thiền, thành tựu và an trụ. Bấy giờ là buổi xế, tất cả bóng của các cây khác đều đã ngả dần, chỉ có cây diêm-phù là bóng cây không ngả, che mát thân của Đức Thế Tôn. Lúc đó, Thích Bạch Tịnh đến quan sát công tác hạ điền, đi đến chỗ người làm ruộng hỏi rằng: ‘Này nông phu, Vương tử ở chỗ nào?’

Người ấy trả lời rằng: ‘Vương tử[7] hiện đang ở dưới gốc cây diêm-phù.” Rồi Thích Bạch Tịnh đi đến cây diêm-phù, bấy giờ là xế trưa. Thích Bạch Tịnh thấy bóng của tất cả các cây khác đều đã ngả, chỉ có bóng cây diêm-phù là không ngả, để che mát thân thể của Thế Tôn, liền nghĩ như vầy: ‘Vương tử này thật là kỳ diệu, rất hy hữu, có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần. Vì sao thế? Vì vào lúc xế trưa tất cả các bóng cây đều ngả, chỉ có bóng cây diêm-phù là không ngả, để che mát thân của Vương tử’. Nếu vào buổi xế trưa tất cả cây đều ngả bóng, chỉ có bóng cây diêm-phù không ngả, [471a] để che mát thân thể của Đức Thế Tôn; con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.

“Con nghe rằng có một thời Đức Thế Tôn trú tại Tì-xá-li, trong Đại lâm. Bấy giờ, khi đêm đã qua, vào lúc sáng sớm, Đức Thế Tôn khoác y cầm bát vào thành Tì-xá-li khất thực. Sau khi khất thực xong, xếp y, cất bát, rửa tay chân, vắt ni-sư-đàn lên vai, đi vào rừng, đến dưới một gốc cây đa-la, trải ni-sư-đàn, ngồi kiết-già. Bấy giờ là lúc xế bóng, tất cả các bóng cây khác đều ngả, chỉ có bóng cây đa-la là không ngả để che mát thân thể của Đức Thế Tôn. Bấy giờ vào lúc xế bóng, Thích Ma-ha-nam[8] ung dung đi đến Đại lâm. Thích Ma-ha-nam thấy rằng, vào buổi xế, tất cả bóng cây đều ngả chỉ trừ bóng cây đa-la là không ngả để che mát thân thể của Đức Thế Tôn, liền nghĩ như vầy: ‘Sa-môn Cù-đàm rất là kỳ diệu, rất là hy hữu, có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần. Vì sao vậy? Vì vào buổi xế, tất cả bóng cây đều ngả, chỉ có bóng cây đa-la là không ngả để che mát thân thể Cù-đàm’. Nếu lúc xế bóng, tất cả các bóng cây khác đều ngã, chỉ có bóng cây đa-la là không ngả để che mát thân thể của Đức Thế Tôn; con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.

“Con nghe rằng, một thời Thế Tôn trú tại nước Tì-xá-li, trong Đại lâm. Bấy giờ các Tỳ-kheo để bát ngoài chỗ đất trống, bát của Thế Tôn cũng có trong số ấy, có một con khỉ ôm bát của Thế Tôn mà đi. Các thầy Tỳ-kheo la ó, sợ nó làm bể bát của Thế Tôn. Nhưng Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng: ‘Hãy để yên. Hãy để yên. Đừng la. Nó không làm bể bát đâu’. Thế rồi khỉ ôm bát của Thế Tôn mà đi, đến một cây sa-la, chậm rãi leo lên, lấy đầy bát mật nơi cây sa-la, rồi chậm rãi leo xuống, trở về chỗ Đức Phật, đem dâng bát mật ấy lên Đức Phật. Đức Thế Tôn không thọ nhận. Lúc ấy khỉ liền ôm bát qua một bên, dùng đũa gắp bỏ sâu. Sau khi nhặt bỏ sâu, nó ôm bát trở lại dâng lên Thế Tôn. Thế Tôn lại không nhận. Khỉ lại ôm qua một bên, múc nước đổ vào trong mật, rồi ôm trở lại dâng lên Thế Tôn. Thế Tôn liền thọ nhận. Khỉ thấy Thế Tôn lấy bát mật rồi liền vui mừng hớn hở, múa may nhảy nhót rồi bỏ đi. Nếu Đức Thế Tôn khiến con khỉ kia, khi thấy Đức Thế Tôn lấy bát mật rồi vui mừng hớn hở múa may nhảy nhót, rồi đi; con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.

“Con nghe rằng một thời Đức Thế Tôn trú Tì-xá-li, ở tại ngôi nhà sàn[9], bên bờ ao Di hầu. [471b] Bấy giờ Thế Tôn đang phơi tọa cụ, rũ bụi, phủi đất. Lúc ấy có một đám mây đến trái thời che kín khắp hư không muốn mưa nhưng dừng lại chờ Đức Thế Tôn phơi tọa cụ, rũ bụi, phủi đất, xếp cất một nơi, rồi mang cất chổi; vào đứng trong nền nhà. Bấy giờ đám mây lớn ấy thấy Đức Thế Tôn xếp cất tọa cụ rồi mới đổ mưa xuống rất lớn, từ cao cho đến thấp, nước ngập tràn lai láng. Nếu Đức Thế Tôn làm cho đám mây lớn kia thấy Thế Tôn xếp cất tọa cụ rồi, mới mưa xuống thật to và từ đất cho đến thấp nước ngập tràn lai láng; con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.

“Con nghe một thời Đức Thế Tôn trú tại Bạt-kỳ[10], ngồi dưới cây Sa-la Thọ vương, trong rừng Ôn tuyền. Bấy giờ là buổi xế trưa, tất cả bóng cây khác đều ngả, chỉ trừ bóng cây Sa-la Thọ vương là không ngả, để che mát thân thể Đức Thế Tôn. Khi ấy chủ vườn La-ma đi dạo xem vườn, thấy rằng vào buổi xế, tất cả bóng cây khác đều ngả, chỉ trừ bóng cây Sa-la Thọ vương là không ngả để che mát thân thể của Thế Tôn, liền nghĩ như vầy: ‘Sa-môn Cù-đàm thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần. Vì sao vậy? Vì sao buổi xế tất cả bóng cây khác đều ngả, chỉ trừ cây Sa-la thọ vương là không ngả bóng để che mát thân thể của Sa-môn Cù-đàm. Nếu Đức Thế Tôn vào buổi xế tất cả bóng cây khác đều ngả, chỉ trừ bóng cây Sa-la Thọ vương là không ngả để che mát thân thể của Thế Tôn; con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.

“Con nghe rằng có một thời Đức Thế Tôn ở trong miếu thần A-phù[11]. Bấy giờ khi đêm đã tàn, vào lúc sáng sớm, Đức Thế Tôn khoác y ôm bát vào thôn A-phù để khất thực. Sau khi khất thực xong, xếp y, cất bát, rửa chân tay xong, Ngài vắt ni-sư-đàn lên vai, vào miếu thần ngồi thiền tịnh. Bấy giờ trời mưa đá rất to; sấm sét đánh chết bốn con trâu và hai người cày. Lúc chôn cất hai người chết ấy, đám đông ồn ào, âm thanh cao và to, tiếng dội chấn động. Bấy giờ vào lúc xế chiều, Đức Thế Tôn rời chỗ ngồi tĩnh tọa đứng dậy, từ trong miếu thần đi ra, đến chỗ đất trống để kinh hành. Trong đám đông có một người thấy Đức Thế Tôn vào lúc xế trưa rời chỗ tĩnh tọa đứng dậy, ở trong miếu thần đi ra, đến chỗ đất trống để kinh hành, liền đi đến chỗ Phật cúi đầu làm lễ rồi đi kinh hành theo sau Đức Phật. Đức Phật thấy người ấy ở phía sau nên hỏi rằng: ‘Vì cớ gì mà đám đông ồn ào, âm thanh cao và to, tiếng dội chấn động vậy?’ Người ấy thưa rằng: ‘Bạch Thế Tôn khi trưa, [471c] trời mưa đá rất to; sấm sét đánh chết bốn con bò và hai người cày. Lúc chôn cất hai người chết ấy, đám đông ồn ào, âm thanh cao và to, tiếng dội chấn động. Bạch Thế Tôn vừa rồi Ngài không nghe gì hết sao?’ Thế Tôn trả lời rằng: ‘Ta không nghe các âm thanh ấy’. Lại hỏi rằng: ‘Vừa rồi Ngài ngủ hay sao?’ Thế Tôn trả lời: ‘Không phải’. Lại hỏi Đức Thế Tôn: ‘Lúc ấy Ngài tỉnh mà không nghe các âm thanh ấy sao?’ Thế Tôn đáp: ‘Quả thật vậy’. Bấy giờ người kia liền suy nghĩ rằng: ‘Rất là kỳ diệu, rất là hy hữu, sở hành của Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, rất là vắng lặng, rất là tịch tĩnh. Vì sao vậy? Vì lúc tỉnh mà vẫn không nghe các âm thanh to lớn ấy. Nếu Đức Thế Tôn tỉnh thức mà vẫn không nghe các âm thanh to lớn ấy; con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.

“Con nghe rằng, một thời Đức Phật trú tại Uất-tì-la[12] bên bờ sông Ni-liên-nhiên[13], ngồi dưới cây A-xà-hòa-la ni-câu-loại[14], lúc mới chứng đắc Phật đạo. Bấy giờ mưa lớn đến bảy ngày, từ cao đến thấp đều bị ngập nước, từng luồng nước lớn chảy xoáy ngang dọc, trong vùng đất trống đó, Đức Thế Tôn đi kinh hành, đến nơi nào thì nơi đấy có bụi bay lên. Nếu Đức Thế Tôn ở trong vùng có luồng nước xoáy ngang dọc, mà đi kinh hành, đến chỗ nào thì chỗ ấy có bụi bay lên; con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.

“Con nghe rằng Ma vương trong suốt sáu năm theo Phật để tìm chỗ sở đoản mà không được, liền chán nản nên bỏ về. Nếu Đức Thế Tôn bị Ma vương trong suốt sáu năm theo tìm chỗ sở đoản mà không được, liền chán nản nên bỏ về; con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.

“Con nghe rằng Đức Thế Tôn, trong suốt bảy năm suy niệm về thân, luôn luôn suy niệm không gián đoạn. Nếu Đức Thế Tôn trong suốt bảy năm suy niệm về thân, luôn luôn không gián đoạn; con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Này A-nan, ngươi hãy nghe Như Lai nói mà thọ trì thêm pháp vị tằng hữu này nữa. Này A-nan, Như Lai biết thọ sanh, biết trụ, biết diệt, luôn luôn biết, chẳng có lúc nào chẳng biết. Này A-nan, Như Lai biết tư và tưởng sanh, biết trụ, biết diệt, luôn luôn biết. Không lúc không biết. Cho nên, này A-nan hãy nên từ nơi Như Lai mà thọ trì thêm pháp vị tằng hữu này.”

Đức Thế Tôn thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo, sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

KINH PHÂN BIỆT THÁNH ĐẾ

[467b1] Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc[147].

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Đây là pháp dược tuyên thuyết chân chánh vạn hành [148], tức là bốn Thánh đế, được thâu nhiếp toàn diện, được quán chiếu toàn diện, được phân biệt, được phơi mở, được mở bày, được thi thiết, được hiển thị, được thú hướng[149].

Trong quá khứ, các Đức Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, cũng có sự công bố chánh pháp tối thượng này, tức là bốn Thánh đế, được thâu nhiếp toàn diện, được quán chiếu toàn diện, được phân biệt, được phơi mở, được mở bày, được thi thiết, được hiển thị, được thú hướng.

“Trong đời vị lai, các Đức Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, cũng có sự công bố chánh pháp tối thượng này, tức là bốn Thánh đế, được thâu nhiếp toàn diện, được quán chiếu toàn diện, được phân biệt, được phơi mở, được mở bày, được thi thiết, được hiển thị, được thú hướng.

“Trong đời hiện tại, Ta là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, cũng có sự công bố chánh pháp tối thượng này, tức là bốn Thánh đế, được thâu nhiếp toàn diện, được quán chiếu toàn diện, được phân biệt, được phơi mở, được mở bày, được thi thiết, được hiển thị, được thú hướng.

“Tỳ-kheo Xá-lợi-phất[150] là bậc thông tuệ[151], tốc tuệ, tiệp tuệ, lợi tuệ, quảng tuệ, thâm tuệ, xuất yếu tuệ, minh đạt tuệ, biện tài tuệ. Tỳ-kheo Xá-lợi-phất thành tựu thật tuệ. Vì sao vậy? Vì ta nói sơ lược về bốn Thánh đế thế này, thì Tỳ-kheo Xá-lợi-phất có thể vì người khác mà giáo hóa toàn diện, quán chiếu toàn diện, phân biệt, phơi mở, mở bày, thi thiết hiển thị, thú hướng.

“Khi Tỳ-kheo Xá-lợi-phất giáo hóa toàn diện, quán sát toàn diện, phân biệt, phơi mở, mở bày, thi thiết, hiển thị, thú hướng, làm cho vô lượng người đạt đến chánh quán. Tỳ-kheo Xá-lợi-phất có khả năng hướng dẫn bằng chánh kiến vậy.

“Tỳ-kheo Mục-kiền-liên có khả năng làm cho đứng vững nơi chân tế tối thượng[152], nghĩa là cứu cánh lậu tận. Tỳ-kheo Xá-lợi-phất sanh ra các đồng phạm hạnh, cũng như sanh mẫu; Tỳ-kheo Mục-kiền-liên trưởng dưỡng các đồng phạm hạnh cũng như dưỡng mẫu. Do đó các đồng phạm hạnh nên phụng sự, cung kính cúng dường, lễ bái Tỳ-kheo Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên. Vì sao vậy? Vì Tỳ-kheo Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiền-liên mong cầu phước lợi và thiện ích, cũng cầu sự an ổn và khoái lạc cho các đồng phạm hạnh”.

Sau khi Đức Thế Tôn nói như vậy rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào tịnh thất tĩnh tọa. Lúc đó, Tôn giả Xá-lợi-phất nói với các Tỳ-kheo:

“Này Chư Hiền, Đức Thế Tôn vì chúng ta mà xuất hiện thế gian, vì mọi người mà giáo hóa, khai thị toàn diện, phân biệt, phơi mở, mở bày, thi thiết, hiển thị, thú hướng bốn Thánh đế này.

“Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập, Khổ diệt, Khổ diệt đạo Thánh đế.

Này Chư Hiền, thế nào là Khổ Thánh đế? Đó là sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, oán tắng hội khổ, ái biệt ly khổ, [467c] sở cầu không toại khổ, tóm lại năm thủ uẩn là khổ[153].

“Này Chư Hiền, nói sanh là khổ; nói thế là vì lẽ gì? Này Chư Hiền, sanh là chúng sanh kia, với chủng loại sai biệt của chúng sanh kia, sanh thì sanh, xuất hiện thì xuất hiện, thành hình thì thành hình, hiện khởi[154] năm uẩn, đã có mạng căn. Như vậy gọi là sanh.

“Này Chư Hiền, sanh là khổ, đó là chúng sanh khi sanh thân nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện[155]. Tâm nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân nhiếp thọ nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Tâm nhiếp thọ nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân nhiếp thọ kịch liệt nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Tâm nhiếp thọ kịch liệt nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ kịch liệt nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Này Chư Hiền, vì lẽ ấymà nói sanh là khổ.

“Này Chư Hiền, nói già là khổ; nói thế là vì lẽ gì? Này Chư Hiền, già nghĩa là chúng sanh kia, với chủng loại sai biệt của chúng sanh kia, kẻ kia trở nên già yếu, đầu bạc răng rụng, sự cường tráng ngày càng suy yếu, thân còng, chân vẹo, cơ thể nặng nề, hơi thở đưa lên, phải chống gậy mà đi, thịt rút, da nhăn, xù xì như cây gai, các căn hư hoại, nhan sắc xấu xí. Như vậy gọi là già.

Này Chư Hiền, già là khổ, là chúng sanh khi già thì thân nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Tâm nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân nhiếp thọ nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Tâm nhiếp thọ nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân nhiếp thọ kịch liệt nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Tâm nhiếp thọ kịch liệt nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ kịch liệt nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Này Chư Hiền, vì lẽ ấy mà nói già là khổ.

“Này Chư Hiền, nói bệnh là khổ; nói thế là vì lẽ gì? Này Chư Hiền, bệnh là đầu đau, mắt đau, tai đau, mũi đau, mặt đau, môi đau, răng đau, lưỡi đau, nướu đau, cổ đau, phong suyễn, ho hen, ói mữa, cứng họng, bệnh điên, bệnh động kinh, ung thư, mọc bướu, kinh nguyệt tràn, viêm đỏ, nóng hực, khô héo, bệnh trĩ, mụn nhọt, kiết lỵ, và tất cả những bệnh tương tự như vậy, từ xúc mà sanh ra, không rời khỏi tâm, ở ngay trong thân. Như vậy gọi là bệnh. Này Chư Hiền, bệnh khổ là: Chúng sanh khi bệnh thì thân nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Tâm nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân nhiếp thọ nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Tâm nhiếp thọ nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, [468a] cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân nhiếp thọ kịch liệt nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Tâm nhiếp thọ kịch liệt nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ kịch liệt nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Này Chư Hiền, vì lẽ ấy nói bệnh là khổ.

“Này Chư Hiền, nói chết là khổ; nói thế là vì lẽ gì? Này Chư Hiền, chết là chúng sanh kia, với chủng loại sai biệt của chúng sanh kia, mạng chung, vô thường, chết chôn, tan rã, tuổi thọ chấm dứt, hủy hoại, mạng căn bế tắc, như vậy gọi là chết. Này Chư Hiền, chết là khổ. Đó là chúng sanh khi chết, thân nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Tâm nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân nhiếp thọ nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Tâm nhiếp thọ nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân nhiếp thọ kịch liệt nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Tâm nhiếp thọ kịch liệt nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ kịch liệt nóng bức, bức rức, lo buồn, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Này Chư Hiền, vì lẽ ấy mà nói chết là khổ.

“Này Chư Hiền, nói oán tắng hội là khổ[156]; nói thế là vì lẽ gì? Này Chư Hiền, oán tắng hội, nghĩa là, chúng sanh thật có sáu nội xứ: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý xứ vốn không khả ái mà chúng cùng tụ hội ở một chỗ, có sự gắn bó, hòa hợp, tập hợp. Sự hòa hợp ấy là khổ. Cũng vậy các ngoại xứ, xúc, thọ, tưởng, tư, ái[157], cũng lại như vậy. Này Chư Hiền, chúng sanh thật có sáu giới: đất, nước, lửa, gió, hư không và thức giới vốn không khả ái mà chúng cùng tụ hội ở một chỗ, có sự gắn bó, hòa hợp, tập hợp. Sự hòa hợp ấy là khổ. [158] Như vậy gọi là oán tắng hội khổ. Này Chư Hiền, oán tắng hội là khổ, đó là chúng sanh khi có sự tụ hội của những thứ oán ghét, thân nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Tâm nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Này Chư Hiền, vì lẽ ấy mà nói oán tắng hội là khổ.

“Này Chư Hiền, nói ái biệt ly khổ[159]; nói thế là vì lẽ gì? Này Chư Hiền, ái biệt ly khổ, đó là chúng sanh thật có sáu xứ bên trong: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý xứ vốn khả ái, nhưng chúng phân tán thành khác biệt, không tương ứng, biệt ly không tụ hội, không gắn bó, không tập hợp, không hòa hợp, đó là khổ. Cũng vậy, các ngoại xứ: xúc, thọ, tưởng, tư, ái, cũng lại như vậy. Này Chư Hiền, chúng sanh quả thực có sáu giới: đất, nước, lửa, gió, hư không và thức giới vốn khả ái nhưng chúng phân tán thành khác biệt, không tương ứng, không gắn bó, không hòa hợp, không tập hợp, đó là khổ. Như vậy gọi là [468b] ái biệt ly. Này Chư Hiền, ái biệt ly là khổ nghĩa là chúng sanh khi xa cách nhau, thân nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Tâm nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Thân tâm nhiếp thọ khổ, nhiếp thọ toàn diện; cảm thọ, cảm thọ toàn diện. Này Chư Hiền, vì lẽ ấy mà nói ái biệt ly khổ là khổ.

“Này Chư Hiền, nói sở cầu không toại là khổ[160]; nói thế là vì lẽ gì? Này Chư Hiền, nghĩa là chúng sanh lệ thuộc vào sanh pháp[161], không thể lìa xa sanh pháp, nhưng lại ước muốn rằng: ‘Mong tôi không sanh ra’, điều ấy quả thật không thể muốn mà được. Với sự già, sự chết, sự ưu sầu, buồn lo mà ước muốn rằng: ‘Mong tôi không có buồn lo’. Điều ấy không thể muốn mà được. Này Chư Hiền chúng sanh nào thấy quả thật sanh là khổ, không đáng vui, không đáng yêu, không đáng nghĩ nhớ, người ấy nghĩ thế này: ‘Nếu sự sanh của ta khổ, không đáng vui, không đáng yêu, không đáng nghĩ nhớ, mong sao chuyển đổi nó thành đáng yêu, đáng nghĩ nhớ’. Điều đó không thể muốn mà được. Này Chư Hiền, chúng sanh nào thấy quả thật sanh là lạc đáng yêu, đáng nghĩ nhớ, người ấy nghĩ như vầy: ‘Nếu sự sanh của ta là lạc, đáng yêu, đáng nghĩ nhớ, mong sao nó là pháp thường hằng, vĩnh cữu và không biến dịch’. Điều ấy không thể muốn mà được.

“Này Chư Hiền, chúng sanh nào quả thật sanh tư tưởng[162] mà không đáng vui, không đáng yêu, không đáng nghĩ nhớ, người ấy suy nghĩ thế này: ‘Nếu ta sanh tư tưởng mà không đáng vui, không đáng yêu, không đáng nghĩ nhớ, mong sao nó đổi thành mà đáng yêu, đáng nghĩ nhớ’. Điều ấy không thể muốn mà được. Này Chư Hiền, chúng sanh nào quả thật sanh tư tưởng, đáng yêu, đáng nghĩ nhớ, người ấy nghĩ như vầy: ‘Nếu tư tưởng ta sanh ra đáng yêu, đáng nghĩ nhớ, mong sao nó là pháp thường hằng, vĩnh cửu và không biến dịch’. Điều ấy không thể muốn mà được. Này Chư Hiền, vì lẽ ấy mà nói sở cầu bất đắc là khổ.

“Này Chư Hiền, nói lược năm thủ uẩn là khổ; nói thế là vì lẽ gì? Đó là sắc thủ uẩn; thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn. Này Chư Hiền, vì lẽ ấy mà nói năm thủ uẩn là khổ.

“Này Chư Hiền, thời quá khứ là Khổ Thánh đế; thời vị lai và hiện tại là Khổ Thánh đế. Đó là điều chắc thật không hư đối, không xa rời sự thật, cũng chẳng phải điên đảo, được thẩm sát một cách chắc thật. Những gì hợp với sự chắc thật như vậy, là sở hữu của Thánh, được nhận thức bởi Thánh, được thấu suốt bởi Thánh, được thấy bởi Thánh, là sự giác ngộ tối thượng chân chánh của bậc Thánh. Do dó nói là Khổ Thánh đế.

“Cái gì là ái tập Khổ tập Thánh đế? Nghĩa là chúng sanh thật có sáu xứ tham ái bên trong: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ý xứ.[163] Trong đó nếu có ái, có cấu bẩn, có ô nhiễm, có đắm trước, [468c] đó gọi là tập.

“Này Chư Hiền, Đa văn Thánh đệ tử biết rằng: ‘Ta biết pháp như vậy, thấy như vậy, hiểu như vậy, nhận định như vậy và tri giác như vậy, đó là ái tập Khổ tập Thánh đế.

“Biết như vậy là biết như thế nào? Nếu có người tham ái vợ con, nô tỳ, kẻ sai bảo, quyến thuộc, ruộng đất, nhà cửa, quán xá, tài vật xuất vốn và lời lãi, tạo tác những nghiệp có ái, có cấu bẩn, có nhiễm, có trước, đó gọi là tập. Người kia biết ái tập Khổ tập Thánh đế này. Cũng vậy, ngoại xứ xúc, thọ, tưởng, hành, ái, cũng lại như vậy.

“Này Chư Hiền, chúng sanh quả thực có sáu giới tham ái: đất, nước, lửa, gió, hư không, thức giới, trong đó nếu có ái, có cấu bẩn, có nhiễm, có trước, đó gọi là tập.

“Này Chư Hiền, Đa văn Thánh đệ tử biết rằng ‘Ta biết pháp như vậy, thấy như vậy, hiểu như vậy, nhận định như vậy và tri giác như vậy, đó là ái tập Khổ tập Thánh đế.

“Biết như vậy là biết như thế nào? Nếu có người tham ái vợ con, nô tỳ, kẻ sai bảo, quyến thuộc, ruộng đất, nhà cửa, quán xá, tài vật xuất vốn và lời lãi, tạo tác những nghiệp có ái, có cấu bẩn, có nhiễm, có trước, đó gọi là tập. Người kia biết ái tập Khổ tập Thánh đế này. Thời quá khứ là khổ Thánh đế; thời vị lai và hiện tại là Khổ Thánh đế. Đó là điều chắc thật không hư đối, không xa rời sự thật, cũng chẳng phải điên đảo, được thẩm sát một cách chắc thật. Những gì hợp với sự chắc thật như vậy, là sở hữu của Thánh, được nhận thức bởi Thánh, được thấu suốt bởi Thánh, được thấy bởi Thánh, là sự giác ngộ tối thượng chân chánh của bậc Thánh. Do dó nói là Khổ Thánh đế.

Này Chư Hiền, thế nào là ái diệt Khổ diệt Thánh đế? Nghĩa là chúng sanh thực có sáu xứ tham ái bên trong: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý xứ. Chúng sanh ấy giải thoát, không nhiễm, không đắm trước, đoạn bỏ hoàn toàn, vô dục, diệt tận, tĩnh tịch; đó gọi là Khổ diệt.

“Này Chư Hiền, Đa văn Thánh đệ tử biết rằng ‘Ta biết pháp như vậy, thấy như vậy, hiểu như vậy, nhận định như vậy và tri giác như vậy, đó là ái diệt Khổ diệt Thánh đế.

“Biết như vậy là biết như thế nào? Nếu có người nào không tham ái vợ con, nô tỳ, kẻ sai bảo, quyến thuộc, ruộng đất, nhà cửa, quán xá, tài vật xuất vốn và lời lãi, đó không phải là tạo tác nghiệp, người ấy nếu giải thoát, không nhiễm, không đắm trước, đoạn bỏ hoàn toàn, vô dục, diệt tận, tĩnh tịch; đó gọi là ái diệt, Khổ diệt Thánh đế. Cũng thế, ngoại xứ xúc, thọ, tưởng, tư, ái, cũng lại như vậy.

“Này Chư Hiền, chúng sanh quả thật có [469a] sáu giới tham ái: đất, nước, lửa, gió, hư không, thức giới; người ấy nếu giải thoát, không nhiễm, không đắm trước, đoạn bỏ hoàn toàn, vô dục, diệt tận, tĩnh tịch; đó gọi là ái diệt, Khổ diệt Thánh đế. Này Chư Hiền, Đa văn Thánh đệ tử biết rằng ‘Ta biết pháp như vậy, thấy như vậy, hiểu như vậy, nhận định như vậy và tri giác như vậy, đó là ái diệt Khổ diệt Thánh đế.

“Biết như vậy là biết như thế nào? Nếu có người nào không tham ái vợ con, nô tỳ, kẻ sai bảo, quyến thuộc, ruộng đất, nhà cửa, quán xá, tài vật xuất vốn và lời lãi, đó không phải là tạo tác nghiệp, người ấy nếu giải thoát, không nhiễm, không đắm trước, đoạn bỏ hoàn toàn, vô dục, diệt tận, tĩnh tịch; đó gọi là ái diệt, Khổ diệt Thánh đế. Thời quá khứ là khổ Thánh đế; thời vị lai và hiện tại là Khổ Thánh đế. Đó là điều chắc thật không hư đối, không xa rời sự thật, cũng chẳng phải điên đảo, được thẩm sát một cách chắc thật. Những gì hợp với sự chắc thật như vậy, là sở hữu của Thánh, được nhận thức bởi Thánh, được thấu suốt bởi Thánh, được thấy bởi Thánh, là sự giác ngộ tối thượng chân chánh của bậc Thánh. Do dó nói là ái diệt Khổ diệt Thánh đế.

“Này Chư Hiền, thế nào là Khổ diệt đạo Thánh đế? Đó là chánh kiến, chánh tư duy[164], chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn[165], chánh niệm và chánh định.

“Này Chư Hiền, thế nào là chánh kiến? Đó là khi vị Thánh đệ tử khi suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo;[166] hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn là tịch tĩnh. Hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát[167] tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó là sự giản trạch, giản trạch toàn diện, giản trạch quyết định, giản trạch pháp, nhận định, toàn diện nhận định, quán sát minh đạt. Đó là chánh kiến[168].

“Này Chư Hiền, thế nào là chánh tư duy? Đó là khi vị Thánh đệ tử suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn là tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó là sự tư sát, tư sát toàn diện, tùy thuận tư sát, điều nào nên niệm thì niệm, điều nào nên hy vọng thì hy vọng[169]. Đó là chánh tư duy.

“Này Chư Hiền, thế nào là chánh ngữ? Đó là khi vị Thánh đệ tử suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn là tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó ngoài bốn diệu hành thuộc miệng, còn các ác hành khác nơi miệng đều viễn ly, đoạn trừ, không hành, không tạo tác, không tập hợp và không tụ hội. Đó là chánh ngữ.

[469b] “Này Chư Hiền, thế nào là chánh nghiệp? Đó là khi vị Thánh đệ tử suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn là tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó ngoài ba diệu hành thuộc thân, còn các ác hành khác nơi thân đều viễn ly, đoạn trừ, không hành, không tạo tác, không tập hợp và không tụ hội. Đó là chánh nghiệp.

Này Chư Hiền, thế nào là chánh mạng? Đó là khi vị Thánh đệ tử suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn là tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó phải là mong cầu vô lý, không do nhiều tham dục mà không biết vừa đủ, không làm các thứ xảo quyệt bùa chú, để sinh sống bằng tà mạng. Chỉ theo chánh pháp mà mong cầu y phục, chớ không phải với phi pháp, cũng theo chánh pháp để mong cầu thực phẩm, giường chõng, chớ không phải với phi pháp. Đó là chánh mạng.

“Này Chư Hiền, thế nào là chánh tinh tấn? Đó là khi vị Thánh đệ tử suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn là tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó, nếu có phương tiện tinh tấn thì quả quyết, tinh cần để mong cầu, có khả năng để thú hướng, chuyên chú không xả bỏ, cũng không suy thối, quyết định hàng phục tâm mình. Đó là chánh tinh tấn.

“Này Chư Hiền, thế nào là chánh niệm? Đó là khi vị Thánh đệ tử suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn là tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó, nếu tâm tùy thuận niệm, phản chiếu giải thoát niệm[170], suy niệm, biến mãn suy niệm, liên tục ức niệm, tâm niệm không xao lãng. Đó là chánh niệm.

“Này Chư Hiền, thế nào là chánh định? Đó là khi vị Thánh đệ tử suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn là tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó, nếu tâm trụ, thiền trụ, thuận trụ, không loạn, không tán, chuyên nhất[171]. Đó là chánh định.

“Này Chư Hiền, thời quá khứ là Khổ diệt đạo Thánh đế; [489c] thời vị lai và hiện tại là Khổ diệt đạo Thánh đế. Đó là điều chắc thật không hư dối, không xa rời sự thật, cũng chẳng phải điên đảo, được thẩm sát một cách chắc thật. Những gì hợp với sự chắc thật như vậy, là sở hữu của Thánh, được nhận thức bởi Thánh, được thấu suốt bởi Thánh, được thấy bởi Thánh, là sự giác ngộ tối thượng chân chánh của bậc Thánh. Do dó nói Khổ diệt đạo Thánh đế”.

Rồi ngài nói bài tụng rằng:

Phật thấu triệt các pháp,

Thấy vô lượng thiện đức,

Khổ, tập, diệt, đạo đế,

Khéo hiển hiện phân biệt.

Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết, hoan hỷ phụng hành.[172]

Monday, October 4, 2010

KINH TƯỢNG TÍCH DỤ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất nói với các Tỳ-kheo rằng:

Này Chư Hiền, nếu có vô lượng thiện pháp, thì tất cả các thiện pháp ấy đều thu nhiếp vào bốn Thánh đế, đi vào trong bốn Thánh đế. Nghĩa là, trong tất cả pháp, bốn Thánh đế là tối thượng bậc nhất. Vì sao thế? Vì nhiếp thọ tất cả các thiện pháp.

Này Chư Hiền, cũng như trong các dấu chân của loài thú vật, dấu chân voi là bậc nhất. Vì sao thế? Vì dấu chân voi rất là to lớn vậy. Cũng vậy, này Chư Hiền, có vô lượng thiện pháp, thì tất cả các thiện pháp ấy đều thu nhiếp vào bốn Thánh đế, đi vào trong bốn Thánh đế. Nghĩa là trong tất cả pháp, bốn Thánh đế là tối thượng bậc nhất.

Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập, Khổ diệt và Khổ diệt đạo Thánh đế.

“Này Chư Hiền, thế nào là Khổ Thánh đế? Đó là, sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, oán ghét mà tự hội là khổ, thương yêu [464c] mà biệt ly là khổ, mong cầu mà không được là khổ, nói tóm lược năm thủ uẩn là khổ.

“Này Chư Hiền, những gì là năm thủ uẩn? Đó là sắc thủ uẩn, thọ, tưởng hành và thức thủ uẩn.

“Này Chư Hiền, cái gì là sắc thủ uẩn? Những gì có sắc, tất cả đều là bốn đại và bốn đại tạo.

Này Chư Hiền, những gì là bốn đại? Đó là địa giới, thủy giới, hỏa giới và phong giới.

“Này Chư Hiền, cái gì là địa giới? Chư Hiền, địa giới có hai, có nội địa giới và có ngoại địa giới.

Này Chư Hiền, những gì là nội địa giới[126]? Đó là, những gì ở trong thân, được thâu nhiếp trong thân như vật cứng, có tính chất cứng, được chấp thủ bên trong.[127] Đó là những gì? Đó là tóc, lông, móng, răng, da thô và mịn, thịt, gân, xương, tim, thận, gan, phổi, lá lách, ruột, bao tử, phẩn và những thứ khác tương tự như vậy ở trong thân, được thâu nhiếp bên trong, có tính chất cứng, được chấp thủ bên trong. Đó là nội địa giới.

Này Chư Hiền, ngoại địa giới, đó là lớn, là tịnh, là không đáng tởm[128]. Này Chư Hiền, có lúc bị thủy tai, khi ấy ngoại địa giới tiêu diệt[129].

“Này Chư Hiền, ngoại địa giới này cực kỳ lớn, cực kỳ tịnh, cực kỳ không đáng tởm. Đó là pháp vô thường, pháp cùng tận, pháp suy vong, pháp biến dịch, huống là xác thân tạm thời đình trú, được duy trì chấp thủ bởi tham ái này. Nghĩa là kẻ phàm phu ngu si, không đa văn, suy nghĩ như vầy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là của cái kia’.[130] Đa văn Thánh đệ tử không nghĩ như vậy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là của cái kia’. Vị ấy vì sao nghĩ như vậy? Nếu có người khác mắng chửi, đánh đập, giận giữ, quở trách, thì vị ấy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra khổ này là từ nhân duyên, chứ không phải không có nhân duyên. Cái gì là duyên? Duyên vào khổ xúc’. Vị ấy quán xúc là vô thường; rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động.[131] Sau đó, có người đến nói với vị ấy bằng lời lẽ dịu dàng. Vị ấy suy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra sự lạc này là từ nhân duyên chớ không phải không nhân duyên. Cái gì là duyên? Duyên vào lạc xúc’. Vị ấy quán xúc là vô thường, rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động. Sau đó, hoặc có người thơ ấu, niên thiếu, trung niên hay trưởng lão đến làm việc không xứng ý với vị ấy; hoặc nắm tay thoi, hoặc lấy đá ném, hoặc dao, hoặc gậy đập. Vị ấy suy nghĩ thế này: Ta thọ thân này vốn là sắc pháp, thô chất, thuộc bốn đại chủng, do cha mẹ sanh, được nuôi lớn bằng ăn uống, được che kín bởi y phục, được chăm sóc bằng tắm rửa, nằm ngồi bồng bế; nó là pháp phá hoại, pháp diệt tận, pháp ly tán. [465a] Ta vì thân này mà đến nỗi bị tay thoi, đá ném, dao gậy đập. Do lẽ đó vị kia rất siêng năng, không biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định.Vị ấy nghĩ như vầy: Ta rất siêng năng, không biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định. Ta thọ thân này đáng để cho tay thoi, đá ném, dao gậy đập, chỉ nên siêng năng học giáo pháp của Đức Thế Tôn’.

Này Chư Hiền, Đức Thế Tôn cũng nói như vầy: Giả sử có giặc cướp đến cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra. Nếu ngươi khi bị giặc cướp cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra, mà tâm ngươi hoặc biến dịch, hoặc nói năng hung dữ, tức các ngươi đã suy thối. Các ngươi nên nghĩ như vầy: giả sử có kẻ giặc cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ta ra, mong sao nhân đó mà tâm ta không biến dịch, không nói năng hung dữ, sẽ khởi tâm thương xót đối với người đến xẻ manh mún thân thể ta ra; vì người đó mà tâm ta câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng thế với hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến mãn tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, quảng đại, vô biên, vô lượng, kéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ.

“Này Chư Hiền, Tỳ-kheo kia, nếu do Phật, Pháp và Chúng, mà vẫn không an trú nơi xả tương ứng với thiện, thì này Chư Hiền, Tỳ-kheo ấy nên hổ thẹn, nên xấu hổ rằng:‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’.

“Này Chư Hiền, như người dâu lúc mới rước về, gặp mặt cha mẹ chồng, hay gặp người chồng của mình thì xấu hổ, thẹn thùng.[132] Này Chư Hiền, nên biết, Tỳ-kheo kia cũng lại như vậy, nên xấu hổ thẹn thùng rằng: ‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện. Người ấy do hổ thẹn xấu hổ, nên liền an trú nơi xả tương ứng với thiện. Đó là diệu, là tịnh, là tịch diệt, nghĩa là xả ly tất cả hữu[133], lìa ái, vô dục, diệt tận hoàn toàn. Này Chư Hiền, đó là Tỳ-kheo học tất cả đại.

Này Chư Hiền, cái gì là thủy giới[134]? Chư Hiền, thủy giới có hai; có nội thủy giới và có ngoại thủy giới. Chư Hiền, cái gì là nội thủy giới? Đó là ở trong thân, được thâu nhiếp bên trong thân, những gì là nước, thuộc về nước, ẩm ướt, bị chấp thủ bên trong. Đó là những gì? Đó là mỡ, óc[135], nước mắt, mồ hôi, nước mũi, nước miếng, mủ, máu, tủy, nước dãi, nước tiểu, tất cả những chất khác tương tự như vậy ở trong thân, được thâu nhiếp bên trong thân, những gì là nước, thuộc về nước, ẩm ướt, bị chấp thủ bên trong. Này Chư Hiền, đó là nội thủy [465b] giới.

Này Chư Hiền, ngoại thủy giới, đó là lớn, là tịnh, là không đáng tởm. Này Chư Hiền, có lúc bị hỏa tai, khi ấy ngoại thủy giới tiêu diệt[136].

“Này Chư Hiền, ngoại địa giới này cực kỳ lớn, cực kỳ tịnh, cực kỳ không đáng tởm. Đó là pháp vô thường, pháp cùng tận, pháp suy vong, pháp biến dịch, huống là xác thân tạm thời đình trú, được duy trì chấp thủ bởi tham ái này[137]. Nghĩa là kẻ phàm phu ngu si, không đa văn, suy nghĩ như vầy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là của cái kia’. Đa văn Thánh đệ tử không nghĩ như vậy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là của cái kia’. Vị ấy vì sao nghĩ như vậy? Nếu có người khác mắng chửi, đánh đập, giận giữ, quở trách, thì vị ấy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra khổ này là từ nhân duyên, chứ không phải không có nhân duyên’. Cái gì là duyên? Duyên vào khổ xúc. Vị ấy quán xúc là vô thường; rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động. Sau đó, có người đến nói với vị ấy bằng lời lẽ dịu dàng, vị ấy suy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra sự lạc này là từ nhân duyên chớ không phải không nhân duyên’. Cái gì là duyên? Duyên vào lạc xúc. Vị ấy quán xúc là vô thường, rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động. Sau đó, hoặc có người thơ ấu, niên thếu, trung niên hay trưởng lão đến làm việc không xứng ý với vị ấy; hoặc nắm tay thoi, hoặc lấy đá ném, hoặc dao, hoặc gậy đập. Vị ấy suy nghĩ thế này: Ta thọ thân này vốn là sắc pháp, thô chất, thuộc bốn đại chủng, do cha mẹ sanh, được nuôi lớn bằng ăn uống, được che kín bởi y phục, được chăm sóc bằng tắm rửa, nằm ngồi bồng bế; nó là pháp phá hoại, pháp diệt tậân, pháp ly tán. Ta vì thân này mà đến nỗi bị tay thoi, đá ném, dao gậy đập. Do lẽ đó vị kia rất siêng năng, không biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định. Vị ấy nghĩ như vầy: Ta rất siêng năng, không biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định. Ta thọ thân này đáng để cho tay thoi, đá ném, dao gậy đập, chỉ nên siêng năng học giáo pháp của Đức Thế Tôn’.

“Này Chư Hiền, Đức Thế Tôn cũng nói như vầy: ‘Giả sử có giặc cướp đến cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra. Nếu ngươi khi bị giặc cướp cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra, mà tâm ngươi hoặc biến dịch, hoặc nói năng hung dữ, tức các ngươi đã suy thối. Các ngươi nên nghĩ như vầy: giả sử có kẻ giặc cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ta ra, mong sao nhân đó mà tâm ta không biến dịch, không nói năng hung dữ, [465c] mà nên khởi tâm thương xót đối với người đến xẻ manh mún thân thể ta ra; vì người đó mà tâm ta câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng thế với hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến mãn tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, quảng đại, vô biên, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ.

“Này Chư Hiền, Tỳ-kheo kia, nếu do Phật, Pháp và Chúng, mà vẫn không an trú nơi xả tương ứng với thiện, thì này Chư Hiền, Tỳ-kheo ấy nên hổ thẹn, nên xấu hổ rằng:‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’.

“Này Chư Hiền, như người dâu lúc mới rước về, gặp mặt cha mẹ chồng, hay gặp người chồng của mình thì xấu hổ, thẹn thùng. Này Chư Hiền, nên biết, Tỳ-kheo kia cũng lại như vậy, nên xấu hổ thẹn thùng rằng: ‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’. Người ấy do hổ thẹn, xấu hổ, nên liền an trú nơi xả tương ứng với thiện. Đó là diệu, là tịnh, là tịch diệt, nghĩa là xả ly tất cả hữu, lìa ái, vô dục, diệt tận hoàn toàn. Này Chư Hiền, đó là Tỳ-kheo học tất cả đại.

“Này Chư Hiền, thế nào là hỏa giới? Này Chư Hiền, hỏa giới có hai; có nội hỏa giới và có ngoại hỏa giới. [138] Này Chư Hiền, thế nào là nội hỏa giới? Đó là ở trong thân, được thâu nhiếp ở trong thân, những gì là lửa, có tính chất nóng, được chấp thủ trong thân. Đó là những gì? Đó là, thân nóng hấp, thân nóng bức, bức rức, ấm áp, và sự tiêu hóa ẩm thực, tất cả những chất khác tương tự như vậy ở trong thân, được thâu nhiếp bên trong thân, thuộc tính nóng, được chấp thủ bên trong. Này Chư Hiền, đó là nội hỏa giới.

Này Chư Hiền, ngoại hỏa giới, đó là lớn, là tịnh, là không đáng tởm.

“Này Chư Hiền, có lúc khi ngoại hỏa giới phát khởi, nó đốt cháy thôn ấp, thành quách, núi rừng, đồng ruộng; cháy như vậy rồi lan đến đường cái, đến sông nước, cho đến khi không còn gì cháy mới tắt. Chư Hiền, sau khi ngoại hỏa giới diệt, nhân dân muốn lấy lửa hoặc dùng gỗ hay tre cọ vào nhau, hoặc dùng đá lửa bằng châu ngọc[139].

“Này Chư Hiền, ngoại hỏa giới này cực kỳ lớn, cực kỳ tịnh, cực kỳ không đáng tởm. Đó là pháp vô thường, pháp cùng tận, pháp suy vong, pháp biến dịch, huống là xác thân tạm thời đình trú, được duy trì chấp thủ bởi tham ái này. Nghĩa là kẻ phàm phu ngu si, không đa văn, suy nghĩ như vầy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là của cái kia’. Đa văn Thánh đệ tử không nghĩ như vậy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là của cái kia’. Vị ấy vì sao nghĩ như vậy? Nếu có người khác mắng chửi, đánh đập, giận dữ, quở trách, thì vị ấy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra [466a] khổ này là từ nhân duyên, chứ không phải không có nhân duyên’. Cái gì là duyên? Duyên vào khổ xúc. Vị ấy quán xúc là vô thường; rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động. Sau đó, có người đến nói với vị ấy bằng lời lẽ dịu dàng, vị ấy suy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra sự lạc này là từ nhân duyên chớ không phải không nhân duyên’. Cái gì là duyên? Duyên vào lạc xúc. Vị ấy quán xúc là vô thường, rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động. Sau đó, hoặc có người thơ ấu, niên thiếu, trung niên hay trưởng lão đến làm việc không xứng ý với vị ấy; hoặc nắm tay thoi, hoặc lấy đá ném, hoặc dao, hoặc gậy đập. Vị ấy suy nghĩ thế này: Ta thọ thân này vốn là sắc pháp, thô chất, thuộc bốn đại chủng, do cha mẹ sanh, được nuôi lớn bằng ăn uống, được che kín bởi y phục, được chăm sóc bằng tắm rửa, nằm ngồi bồng bế; nó là pháp phá hoại, pháp diệt tận, pháp ly tán. Ta vì thân này mà đến nỗi bị tay thoi, đá ném, dao gậy đập. Do lẽ đó vị kia rất siêng năng, không biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định. Vị ấy nghĩ như vầy: Ta rất siêng năng, không biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định. Ta thọ thân này đáng để cho tay thoi, đá ném, dao gậy đập, chỉ nên siêng năng học giáo pháp của Đức Thế Tôn’.

“Này Chư Hiền, Đức Thế Tôn cũng nói như vầy: ‘Giả sử có giặc cướp đến cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra. Nếu ngươi khi bị giặc cướp cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra, mà tâm ngươi hoặc biến dịch, hoặc nói năng hung dữ, tức các ngươi đã suy thối. Các ngươi nên nghĩ như vầy: Giả sử có kẻ giặc cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ta ra, mong sao nhân đó mà tâm ta không biến dịch, không nói năng hung dữ, sẽ khởi tâm thương xót đối với người đến xẻ manh mún thân thể ta ra; vì người đó mà tâm ta câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng thế với hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến mãn tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, quảng đại, vô biên, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ.

“Này Chư Hiền, Tỳ-kheo kia, nếu do Phật, Pháp và Chúng, mà vẫn không an trú nơi xả tương ứng với thiện, thì này Chư Hiền, Tỳ-kheo ấy nên hổ thẹn, nên xấu hổ rằng:‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’.

“Này Chư Hiền, như người dâu lúc mới rước về, gặp mặt cha mẹ chồng, hay gặp người chồng của mình thì xấu hổ, thẹn thùng. Này Chư Hiền, nên biết, Tỳ-kheo kia cũng lại như vậy, nên xấu hổ thẹn thùng rằng: ‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’. Người ấy do hổ thẹn xấu hổ, nên liền an trú nơi xả tương ứng với thiện. Đó là diệu, là tịnh, là tịch diệt, nghĩa là xả tất cả hữu, lìa ái, vô dục, diệt tận hoàn toàn. Này Chư Hiền, đó là Tỳ-kheo học tất cả đại.

“Này Chư Hiền, thế nào là phong giới? Này Chư Hiền, ở đây phong giới có hai; có nội phong giới và ngoại phong giới.[140] Này Chư Hiền, thế nào là nội phong giới? Đó là ở trong thân, được thâu nhiếp ở trong thân những gì là gió, thuộc tính chuyển động của gió, bị chấp thủ bên trong. Đó là những gì? Đó là gió đi lên, gió đi xuống, gió trong bụng, gió ngang[141], gió co thắt lại, gió như dao cắt[142], gió nhảy lên, gió phi đạo, gió thổi qua tay chân, gió của hơi thở ra, gió của hơi thở vào, tất cả những chất khác tương tự như vậy ở trong thân, được thâu nhiếp bên trong thân, những gì là gió, thuộc tính chuyển động của gió, được chấp thủ bên trong. Này Chư Hiền, đó là nội phong giới.

“Này Chư Hiền, ngoại phong giới, đó là lớn, là tịnh, là không đáng tởm.

“Này Chư Hiền, có lúc ngoại phong giới phát khởi lên. Khi ngoại phong giới phát khởi thì nhà sập, cây bị tróc, núi lở; khi núi non đã lở rồi, gió liền dừng lại, mảy lông cũng chẳng lay động. Này Chư Hiền, sau khi ngoại phong giới dừng lại, nhân dân tìm kiếm gió, hoặc dùng quạt, hặc dùng lá đa, hoặc dùng áo tìm gió.

“Này Chư Hiền, ngoại phong giới này cực kỳ lớn, cực kỳ tịnh, cực kỳ không đáng tởm. Đó là pháp vô thường, pháp cùng tận, pháp suy vong, pháp biến dịch, huống là xác thân tạm thời đình trú, được duy trì chấp thủ bởi tham ái này. Nghĩa là kẻ phàm phu ngu si, không đa văn, suy nghĩ như vầy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là của cái kia’. Đa văn Thánh đệ tử không nghĩ như vậy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là của cái kia’. Vị ấy vì sao nghĩ như vậy? Nếu có người khác mắng chửi, đánh đập, giận giữ, quở trách, thì vị ấy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra khổ này là từ nhân duyên, chứ không phải không có nhân duyên’. Cái gì là duyên? Duyên vào khổ xúc. Vị ấy quán xúc là vô thường; rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động. Sau đó có người đến nói với vị ấy bằng lời lẽ dịu dàng, vị ấy suy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra sự lạc này là từ nhân duyên chớ không phải không nhân duyên’. Cái gì là duyên? Duyên vào lạc xúc. Vị ấy quán xúc là vô thường, rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động. [466c] Sau đó, hoặc có người thơ ấu, niên thiếu, trung niên hay trưởng lão đến làm việc không xứng ý với vị ấy; hoặc nắm tay thoi, hoặc lấy đá ném, hoặc dao, hoặc gậy đập. Vị ấy suy nghĩ thế này: ‘Ta thọ thân này vốn là sắc pháp, thô chất, thuộc bốn đại chủng, do cha mẹ sanh, được nuôi lớn bằng ăn uống, được che kín bởi y phục, được chăm sóc bằng tắm rửa, nằm ngồi bồng bế; nó là pháp phá hoại, pháp diệt tậân, pháp ly tán. Ta vì thân này mà đến nỗi bị tay thoi, đá ném, dao gậy đập’. Do lẽ đó vị kia rất siêng năng, không biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định. Vị ấy nghĩ như vầy: ‘Ta rất siêng năng, không biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định. Ta thọ thân này đáng để cho tay thoi, đá ném, dao gậy đập, chỉ nên siêng năng học giáo pháp của Đức Thế Tôn’.

“Này Chư Hiền, Đức Thế Tôn cũng nói như vầy: ‘Giả sử có giặc cướp đến cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra. Nếu ngươi khi bị giặc cướp cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra, mà tâm ngươi hoặc biến dịch, hoặc nói năng hung dữ, tức các ngươi đã suy thối. Các ngươi nên nghĩ như vầy: giả sử có kẻ giặc cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ta ra, mong sao nhân đó mà tâm ta không biến dịch, không nói năng hung dữ, sẽ khởi tâm thương xót đối với người đến xẻ manh mún thân thể ta ra; vì người đó mà tâm ta câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng thế với hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến mãn tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, quảng đại, vô biên, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ.

“Này Chư Hiền, Tỳ-kheo kia, nếu do Phật, Pháp và Chúng, mà vẫn không an trú nơi xả tương ứng với thiện, thì này Chư Hiền, Tỳ-kheo ấy nên hổ thẹn, nên xấu hổ rằng:‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’.

“Này Chư Hiền, như người dâu lúc mới rước về, gặp mặt cha mẹ chồng, hay gặp người chồng của mình thì xấu hổ, thẹn thùng. Này Chư Hiền, nên biết, Tỳ-kheo kia cũng lại như vậy, nên xấu hổ thẹn thùng rằng: ‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’. Người ấy do hổ thẹn xấu hổ, nên liền an trú nơi xả tương ứng với thiện. Đó là diệu, là tịnh, là tịch diệt, nghĩa là xả tất cả hữu, lìa ái, vô dục, diệt tận hoàn toàn. Này Chư Hiền, đó là Tỳ-kheo học tất cả đại.

Này Chư Hiền, cũng như nhờ cây gỗ, nhờ bùn đất, nhờ cỏ và nước, che kín trong một khoảng không nên sanh ra cái tên gọi là nhà. Chư Hiền, nên biết, thân này cũng lại như vậy, nhờ gân cốt, nhờ da dẻ, nhờ thịt, máu bao bọc một khoảng không [467a] nên sanh ra cái tên gọi là thân.[143]

Này Chư Hiền, như có người bị hư nhãn xứ bên trong, nên ngoại sắc không được ánh sáng rọi đến, thành ra không có niệm[144] và nhãn thức không phát sanh. Này Chư Hiền, nếu nội nhãn xứ không bị hư hoại thì ngoại sắc sẽ được ánh sáng rọi đến và liền có niệm, nên sanh ra nhãn thức.

“Này Chư Hiền, nhãn xứ bên trong và sắc, cùng với nhãn thức biết ngoại sắc, đó thuộc về sắc uẩn. Nếu có thọ, đó là thọ uẩn. Nếu có tưởng thì đó là tưởng uẩn. Nếu có tư thì đó là tư uẩn. Nếu có thức thì đó là thức uẩn. Như vậy quán sát sự hội hợp của các uẩn.

“Này Chư Hiền, Đức Thế Tôn cũng nói như vầy: ‘Nếu ai thấy duyên khởi tức thấy pháp; nếu thấy pháp tức thấy duyên khởi[145]’. Vì sao thế? Này Chư Hiền, Đức Thế Tôn nói năm thủ uẩn từ nhân duyên mà sanh. Sắc thủ uẩn; thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn cũng vậy.

“Này Chư Hiền, nếu nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý xứ bên trong bị hư hoại thì các pháp bên ngoài sẽ không được ánh sáng rọi đến nên không có niệm, do đó ý thức không sanh khởi được. Này Chư Hiền, nếu nội ý xứ không bị hư hoại thì pháp bên ngoài sẽ được ánh sáng rọi đến và liền có niệm nên sanh ra ý thức[146].

“Này Chư Hiền, ý thức bên trong và pháp cùng với ý thức biết sắc pháp bên ngoài, đó thuộc về sắc uẩn. Nếu có thọ, đó là thọ uẩn. Nếu có tưởng thì đó là tưởng uẩn. Nếu có tư thì đó là tư uẩn. Nếu có thức thì đó là thức uẩn. Như vậy quán sát sự hội hợp của các uẩn.

“Này Chư Hiền, Đức Thế Tôn cũng nói như vầy: ‘Nếu ai thấy duyên khởi tức thấy pháp; nếu thấy pháp tức thấy duyên khởi’. Vì sao thế? Này Chư Hiền, Đức Thế Tôn nói năm thủ uẩn từ nhân duyên mà sanh. Sắc thủ uẩn; thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn cũng vậy. Vị ấy nhàm tởm năm thủ uẩn này, thuộc trong ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai này, do nhàm tởm nên vô dục, vô dục liền giải thoát, giải thoát rồi liền biết giải thoát, biết một cách như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Này Chư Hiền, đó là Tỳ-kheo đã học tất cả về đại”.

Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết xong, hoan hỷ phụng hành.