Monday, December 20, 2010

44. KINH NIỆM

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Các Tỳ-kheo nào không chánh niệm, không chánh trí[16] thì chánh niệm bị tổn hại. Nếu không chánh niệm, chánh trí thì bị tổn hại là việc thủ hộ các căn,[17] thủ hộ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, chỉ, lạc, định, [486a] tri kiến như thật,[18] yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại Niết-bàn.

“Nếu Tỳ-kheo nào không thường mất chánh niệm chánh trí thì thường xuyên có[19] chánh niệm chánh trí. Nếu có chánh niệm chánh trí thì thường thủ hộ các căn, giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu đã giải thoát liền chứng đắc Niết-bàn.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

Saturday, December 18, 2010

43. KINH BẤT TƯ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói rằng:

“Này A-nan, người giữ giới không nên nghĩ rằng: ‘Mong sao tôi không có sự hối hận’. Này A-nan, bởi vì pháp tánh vốn vậy[14]: ai giữ giới, người ấy được sự không hối hận.

“Này A-nan, người đã được sự không hối hận, không nên nghĩ rằng: ‘Mong sao tôi được hân hoan. Này A-nan, bởi vì pháp tánh vốn như vậy, ai không hối hận người ấy được hân hoan.

“Này A-nan, người đã được sự hân hoan không nên nghĩ rằng: ‘Mong sao tôi được hỷ’. Này A-nan, bởi vì pháp tánh vốn vậy, ai có hân hoan, người ấy được hỷ.

“Này A-nan, người đã có hỷ không nên nghĩ rằng: ‘Mong sao tôi được an chỉ’. Này A-nan, bởi vì pháp tánh vốn như vậy, ai có hỷ, người ấy được an chỉ.

“Này A-nan, người đã được an chỉ không nên nghĩ rằng: ‘Mong sao tôi có lạc’. Này A-nan, bởi vì pháp tánh vốn vậy, [485c] ai đã có an chỉ, người ấy được cảm thọ lạc.

“Này A-nan, người đã có lạc không nên nghĩ rằng: ‘Mong sao tôi có định’. Này A-nan, bởi vì pháp tánh vốn vậy, ai có lạc, người ấy có định.

“Này A-nan, người đã có định không nên nghĩ rằng: ‘Mong sao tôi thấy như thật, biết như chân’. Này A-nan, bởi vì pháp tánh vốn vậy, ai có định, người ấy thấy như thật, biết như chân.

“Này A-nan, người thấy như thật, biết như chân không nên nghĩ rằng: ‘Mong sao tôi có sự yếm ly’. Này A-nan, bởi vì pháp tánh vốn như vậy, ai thấy như thật, biết như chân, người ấy có sự yếm ly.

“Này A-nan, người đã có sự yếm ly không nên nghĩ rằng: ‘Mong sao tôi được vô dục’. Này A-nan, bởi vì pháp tánh vốn như vậy, ai có sự yếm ly người ấy được vô dục.

“Này A-nan, người đã vô dục không nên nghĩ rằng: ‘Mong sao tôi được giải thoát’. Này A-nan, bởi vì pháp tánh vốn như vậy, ai đã vô dục người ấy được giải thoát hết thảy dâm, nộ, si.

“Này A-nan, đấy là nhân trì giới mà được không hối hận, nhân không hối hận mà được hân hoan, nhân hân hoan mà được hỷ, nhân hỷ mà được chỉ, nhân chỉ mà được lạc, nhân lạc mà được định.

“Này A-nan, Đa văn Thánh đệ tử nhân định mà có tri kiến như thật, nhân có tri kiến như thật mà có yếm ly, nhân có yếm ly mà được vô dục, nhân vô dục mà được giải thoát, nhân giải thoát mà có giải thoát tri kiến, biết đúng như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Này A-nan, đó chính là các pháp hỗ trợ lẫn nhau, làm nhân cho nhau. Như vậy, giới này đưa đến chỗ cao tột, tức là đưa từ bờ này đến tận bờ kia.[15]

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

Thursday, December 9, 2010

42. KINH HÀ NGHĨA

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ vào lúc xế chiều, Tôn giả A-nan rời chỗ độc cư tĩnh tọa[1] đứng dậy, đến trước Đức Phật, đảnh lễ dưới chân rồi ngồi sang một bên, thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, giữ giới có mục đích gì?[2]”.

Đức Thế Tôn đáp:

“Này A-nan, giữ giới có mục đích khiến cho không hối hận[3]. Này A-nan, nếu ai giữ giới, người ấy được sự không hối hận”.

“Bạch Thế Tôn, không hối hận thì có mục đích gì?”

“Này A-nan, không hối hận thì có mục đích khiến cho được hân hoan[4]. A-nan, nếu ai không hối hận, người ấy được sự hân hoan”.

“Bạch Thế Tôn, hân hoan có mục đích gì?”

“Này A-nan, hân hoan có mục đích khiến cho có hỷ[5]. Này A-nan, nếu ai hân hoan, người ấy có hỷ”.

“Bạch Thế Tôn, hỷ có mục đích gì?”

“Này A-nan, hỷ có mục đích khiến cho an chỉ[6]. Này A-nan, nếu ai có hỷ, người ấy có an chỉ của thân”. [7]

“Bạch Thế Tôn, an chỉ có mục đích gì?”

“Này A-nan, an chỉ có mục đích khiến cho lạc[8]. A-nan, nếu ai co an chỉ người ấy có cảm thọ lạc.

“Bạch Thế Tôn, lạc có mục đích gì?”

“Này A-nan, lạc có mục đích khiến cho có định[9]. A-nan, nếu ai có lạc người ấy có định.””

“Bạch Thế Tôn, định có mục đích gì?”

“Này A-nan, định có mục đích là khiến cho thấy như thật, biết như chơn[10]. A-nan, nếu ai [485b] có định người ấy thấy như thật, biết như chơn.”

“Bạch Thế Tôn, thấy như thật, biết như chơn có mục đích gì?”

“Này A-nan, thấy như thật, biết như chơn có mục đích là khiến cho yếm ly[11]. Này A-nan, thấy như thật, biết như chơn người ấy có sự yếm ly.

“Bạch Thế Tôn, yếm ly có mục đích gì?”

“Này A-nan, yếm ly có ý mục đích khiến cho vô dục[12]. A-nan, nếu ai yếm ly người ấy được vô dục.

“Bạch Thế Tôn, vô dục có mục đích gì?”

“Này A-nan, vô dục có mục đích khiến cho giải thoát. Này A-nan, nếu ai vô dục thì người ấy được giải thoát hết thảy dâm, nộ, si.

“Cho nên, này A-nan, nhân trì giới mà được không hối hận, nhân không hối hận mà được hân hoan, nhân hân hoan mà được hỷ, nhân hỷ mà được chỉ, nhân chỉ mà được lạc, nhân lạc mà được định.

“Này A-nan, Đa văn Thánh đệ tử nhân định mà có tri kiến như thật, nhân có tri kiến như thật mà có yếm ly, nhân có yếm ly mà được vô dục, nhân vô dục mà được giải thoát, nhân giải thoát mà có giải thoát tri kiến, biết đúng như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Này A-nan, đó chính là các pháp hỗ trợ lẫn nhau, làm nhân cho nhau. Như vậy, giới này đưa đến chỗ cao tột, tức là đưa từ bờ này đến tận bờ kia[13].

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

Tuesday, December 7, 2010

KINH THỦ TRƯỞNG GIẢ (II)

[484c]Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại A-la-tì Già-la, trong Hòa lâm.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:

Thủ Trưởng giả có tám pháp vị tằng hữu. Những gì là tám? Thủ Trưởng giả có thiểu dục, có tín, có tàm, có quý, có tinh tấn, có niệm, có định, có tuệ.[112]

“Nói Thủ Trưởng giả có thiểu dục, là do nhân gì? Thủ Trưởng giả tự thân thiểu dục, không muốn để cho người khác biết mình có thiểu dục. Có tín, có tàm, có quý, có tinh tấn, có niệm, có tuệ Thủ Trưởng giả tự có tuệ, không muốn cho người khác biết mình có tuệ. Nói Thủ Trưởng giả có thiểu dục, là nhân đó mà nói.

“Nói Thủ Trưởng giả có tín, là do nhân gì? Thủ Trưởng giả có lòng tin kiên cố, tin tưởng thâm sâu nơi Như Lai, tín căn đã xác lập, hoàn toàn không theo Sa-môn, Bà-la-môn, Ngoại đạo, hoặc Thiên, Ma, Phạm và tất cả những người khác trong thế gian. Nói Thủ Trưởng giả có tín, là nhân đó mà nói.

“Nói Thủ Trưởng giả có tàm, là do nhân gì? Thủ Trưởng giả thường hành xấu hổ, điều gì đáng xấu hổ thì biết xấu hổ, xấu hổ đối với pháp ác bất thiện, phiền não cấu uế đưa đến thọ các ác báo, tạo gốc sanh tử. Nói Thủ Trưởng giả có tàm, là nhân đó mà nói.

“Nói Thủ Trưởng giả có quý, là do nhân gì? Thủ Trưởng giả thường thực hành sự hổ thẹn, điều nào đáng thẹn thì biết thẹn, thẹn các pháp ác bất thiện và phiền não cấu uế đưa đến thọ các ác báo, tạo gốc sanh tử. Nói Thủ Trưởng giả có quý, là nhân đó mà nói.

“Nói Thủ Trưởng giả có tinh tấn, là do nhân gì? Thủ Trưởng giả thường thực hành sự tinh tấn, trừ ác và bất thiện, tu các thiện pháp, luôn luôn tự kích lệ ý chí, chuyên nhất và kiên cố, tạo gốc rễ thiện, không hề từ bỏ sự tinh cần[113]. Nói Thủ Trưởng giả có tinh tấn, là nhân đó mà nói.

“Nói Thủ Trưởng giả có niệm, là do nhân gì? Thủ Trưởng giả quán nội thân như thân, quán nội giác, nội tâm, nội pháp như pháp[114]. Nói Thủ Trưởng giả có niệm, là nhân đó mà nói.

“Nói Thủ Trưởng giả có định, là do nhân gì? Thủ Trưởng giả ly dục, ly ác bất thiện pháp, cho đến chứng đắc Tứ thiền, thành tựu và an trụ. Nói Thủ Trưởng giả có định, là nhân đó mà nói.

“Nói Thủ Trưởng giả có tuệ, là do nhân gì? Thủ Trưởng giả tu hành trí tuệ, quán sát sự hưng thịnh và suy tàn của các pháp; đạt được trí tuệ như vậy, bằng Thánh tuệ minh đạt, phân biệt rõ ràng[115] mà hoàn toàn thoát khổ. Nói Thủ Trưởng giả có tuệ, là nhân đó mà nói.

“Nói Thủ Trưởng giả có tám pháp vị tằng hữu, là nhân đó mà nói.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.[116]

Sunday, December 5, 2010

Kinh Thủ Trưởng Giả (I)

Tôi nghe như vầy:

Môt thời Phật trú tại A-la-bệ Già-la[104], trong Hòa lâm.

Bấy giờ Thủ Trưởng giả[105], cùng với năm trăm Đại trưởng giả đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật rồi ngồi sang một bên. Năm trăm Trưởng giả cũng cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật rồi ngồi sang một bên.

Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Này Thủ Trưởng giả, nay ông có một chúng rất đông này. Trưởng giả, ông dùng phương pháp gì để nhiếp hộ[106] đại chúng này?”

Bấy giờ Thủ Trưởng giả thưa rằng:

Bạch Thế Tôn, có bốn nhiếp sự [107], như Đức Thế Tôn đã dạy. Một là huệ thí, hai là ái ngôn, ba là lợi hành, bốn là đồng sự[108]. Bạch Thế Tôn, con dùng bốn phương pháp ấy để nhiếp hộ đại chúng này, hoặc là bằng bố thí, hoặc là bằng ái ngôn, hoặc là bằng lợi hành, hoặc là bằng đồng sự.

Đức Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Này Thủ Trưởng giả, ông có thể bằng như pháp ấy mà nhiếp hộ đại chúng, lại bằng như môn ấy mà nhiếp hộ đại chúng, lại bằng như nhân duyên mà nhiếp hóa đại chúng[109]. Này Thủ Trưởng giả, nếu trong quá khứ có Sa-môn, Bà-la-môn nào, bằng như pháp mà nhiếp hộ đại chúng, tất cả những sự nhiếp hộ đấy đều hoàn toàn[110] ở trong bốn sự nhiếp này. Này Thủ Trưởng giả, nếu trong vị lai có Sa-môn, Bà-la-môn nào bằng như pháp nhiếp hóa đại chúng, tất cả những sự nhiếp hóa ấy hoàn toàn ở trong bốn sự nhiếp này. Này Thủ Trưởng Giả, nếu trong hiện tại có Sa-môn, Bà-la-môn nào bằng như pháp nhiếp hóa đại chúng, tất cả những pháp ấy đều hoàn toàn ở trong bốn sự nhiếp này.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn thuyết pháp cho Thủ Trưởng giả, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho ông, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, Ngài ngồi im lặng.

Bấy giờ, sau khi được Đức Thế Tôn thuyết pháp cho, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, Thủ Trưởng giả liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Đức Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi ra đi.

Trở về nhà, [483a] khi từ cổng ngoài, nếu có gặp người nào, ông đều thuyết pháp cho, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Khi đến trong cổng ngõ giữa, cổng nhỏ trong nhà và đến bên trong nhà, nếu gặp người nào ông đều thuyết pháp cho, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi vào nhà, trải giường, ngồi kiết già, tâm câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không nhuế, không oán, không tránh, rộng lớn bao la vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với bi và hỷ; tâm câu hữu với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, rộng lớn bao la, khéo tu tập biến mãn tất cả thế gian thành tựu và an trụ.

Bấy giờ Chư Thiên ở cõi Tam Thập Tam Thiên tập trung tại pháp đường xuýt xoa khen ngợi Thủ Trưởng giả.

“Này Chư Hiền, Thủ Trưởng giả có đại thiện lợi, đại công đức. Vì sao thế? Này Chư Hiền, Thủ Trưởng giả ấy, sau khi được Đức Phật thuyết pháp, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, ông liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi ra đi. Trở về nhà, khi từ cổng ngoài, nếu có gặp người nào, ông đều thuyết pháp cho, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Khi đến trong cổng ngõ giữa, cổng nhỏ trong nhà và đến bên trong nhà, nếu gặp người nào ông đều thuyết pháp cho, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi vào nhà, trải giường, ngồi kiết già, tâm câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không nhuế, không oán, không tránh, rộng lớn bao la vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với bi và hỷ; tâm câu hữu với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, rộng lớn bao la, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian thành tựu và an trụ.”

Bấy giờ, Tỳ-sa-môn Đại thiên vương, sắc tượng nguy nga, ánh sáng rực rỡ, lúc đêm gần về sáng, đi đến nhà Thủ Trưởng giả, nói rằng:

“Này Trưởng giả, ông có đại thiện lợi, có đại công đức. Vì sao thế? Hôm nay ở cõi Tam Thập Tam Thiên vì Trưởng giả mà tập trung tại pháp đường xuýt xoa khen ngợi: ‘Thủ Trưởng giả ấy có đại thiện lợi, có đại công đức. Vì sao thế? Này Chư Hiền, vì Thủ Trưởng giả ấy, sau khi được Đức Phật thuyết pháp, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, ông liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi ra đi. Trở về nhà, khi từ cổng ngoài, [483b] nếu có gặp người nào, ông đều thuyết pháp cho, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Khi đến trong cổng ngõ giữa, cổng nhỏ trong nhà và đến bên trong nhà, nếu gặp người nào ông đều thuyết pháp cho, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi vào nhà, trải giường, ngồi kiết già, tâm câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không nhuế, không oán, không tránh, rộng lớn bao la vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với bi và hỷ; tâm câu hữu với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, rộng lớn bao la, khéo tu tập biến mãn tất cả thế gian thành tựu và an trụ.’”

Bấy giờ Thủ Trưởng giả im lặng không nói gì cả; không ngắm, không nhìn Tỳ-sa-môn Đại thiên vương. Vì sao thế? Vì tôn trọng định tâm và để thủ họ định tâm của mình.

Bấy giờ Đức Thế Tôn ở giữa vô lượng trăm nghìn đại chúng, khen ngợi Thủ Trưởng giả:

“Thủ Trưởng giả có bảy pháp vị tằng hữu. Sau khi Ta thuyết pháp cho Thủ Trưởng giả ấy, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, ông liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Ta, nhiễu quanh ba vòng rồi ra đi. Trở về nhà, khi từ cổng ngoài, nếu có gặp người nào, ông đều thuyết pháp cho, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Khi đến trong cổng ngõ giữa, cổng nhỏ trong nhà và đến bên trong nhà, nếu gặp người nào ông đều thuyết pháp cho, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi vào nhà, trải giường, ngồi kiết già, tâm câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không nhuế, không oán, không tránh, rộng lớn bao la vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với bi và hỷ; tâm câu hữu với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, rộng lớn bao la, khéo tu tập biến mãn tất cả thế gian thành tựu và an trụ.

“Hôm nay Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên vì Trưởng già ấy mà tập trung ở pháp đường để khen ngợi: ‘Thủ Trưởng giả có đại thiện lợi, đại công đức. Vì sao thế? Này Chư Hiền, Thủ Trưởng giả ấy, sau khi được Đức Phật thuyết pháp, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, ông liền từ chỗ ngồi dứng dậy đảnh lễ Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi ra đi. Trở về nhà, khi từ cổng ngoài, nếu có gặp người nào, ông đều thuyết pháp cho, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Khi đến trong cổng ngõ giữa, cổng nhỏ trong nhà và đến bên trong nhà, nếu gặp người nào ông đều thuyết pháp cho, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi vào nhà, trải giường, ngồi kiết già, tâm câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, [483c]biến khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không nhuế, không oán, không tránh, rộng lớn bao la vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với bi và hỷ; tâm câu hữu với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, rộng lớn bao la, khéo tu tập biến mãn tất cả thế gian thành tựu và an trụ’.

“Hôm nay Tỳ-sa-môn Đại thiên vương, sắc tượng nguy nga, ánh sáng rực rỡ, lúc đêm gần về sáng, đi đến nhà Thủ Trưởng giả, nói:

“– Này Trưởng giả, ông có đại thiện lợi, có đại công đức. Vì sao thế? Hôm nay ở cõi Tam Thập Tam Thiên vì Trưởng giả mà tập trung tại pháp đường xuýt xoa khen ngợi: ‘Thủ Trưởng giả ấy có đại thiện lợi, có đại công đức. Vì sao thế? Này Chư Hiền, vì Thủ Trưởng giả ấy, sau khi được Đức Phật thuyết pháp, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, ông liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi ra đi. Trở về nhà, khi từ cổng ngoài, nếu có gặp người nào, ông đều thuyết pháp cho, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Khi đến trong cổng ngõ giữa, cổng nhỏ trong nhà và đến bên trong nhà, nếu gặp người nào ông đều thuyết pháp cho, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi vào nhà, trải giường, ngồi kiết già, tâm câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không nhuế, không oán, không tránh, rộng lớn bao la vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với bi và hỷ; tâm câu hữu với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, rộng lớn bao la, khéo tu tập biến mãn tất cả thế gian thành tựu và an trụ’.”

Bấy giờ có một Tỳ-kheo, sau khi đêm đã qua, vào lúc sáng sớm, khoác y ôm bát đến nhà Thủ Trưởng giả. Thủ Trưởng giả từ xa trông thấy Tỳ-kheo, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay hướng về thầy Tỳ-kheo mà thưa:

“Kính chào Tôn giả! Tôn giả đã lâu không đến đây. Mời ngồi trên giường này.”

Lúc đó Tỳ-kheo liền ngồi trên giường đó. Thủ Trưởng giả đảnh lễ dưới chân Tỳ-kheo, rồi ngồi sang một bên. Tỳ-kheo nói:

“Này Trưởng giả, ông có đại thiện lợi, đại công đức. Vì sao thế? Đức Thế Tôn vì ông ở giữa vô lượng trăm ngàn đại chúng mà khen ngợi Thủ Trưởng giả: ‘Thủ Trưởng giả có bảy pháp vị tằng hữu. Sau khi Ta thuyết pháp cho Thủ Trưởng giả ấy, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, ông liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Ta, nhiễu quanh ba vòng rồi ra đi. Trở về nhà, khi từ cổng ngoài, nếu có gặp người nào, ông đều [484a] thuyết pháp cho, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Khi đến trong cổng ngõ giữa, cổng nhỏ trong nhà và đến bên trong nhà, nếu gặp người nào ông đều thuyết pháp cho, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi vào nhà, trải giường, ngồi kiết già, tâm câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không nhuế, không oán, không tránh, rộng lớn bao la vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với bi và hỷ; tâm câu hữu với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, rộng lớn bao la, khéo tu tập biến mãn tất cả thế gian thành tựu và an trụ.

“Hôm nay Chư Thiên ở Tam Thập Tam Thiên vì Trưởng giả ấy mà tập trung ở pháp đường để khen ngợi: ‘Thủ Trưởng giả có đại thiện lợi, đại công đức. Vì sao thế? Này Chư Hiền, Thủ Trưởng giả ấy, sau khi được Đức Phật thuyết pháp, khuyến giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ rồi, ông liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi ra đi. Trở về nhà, khi từ cổng ngoài, nếu có gặp người nào, ông đều thuyết pháp cho, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Khi đến trong cổng ngõ giữa, cổng nhỏ trong nhà và đến bên trong nhà, nếu gặp người nào ông đều thuyết pháp cho, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi vào nhà, trải giường, ngồi kiết già, tâm câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không nhuế, không oán, không tránh, rộng lớn bao la vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với bi và hỷ; tâm câu hữu với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, rộng lớn bao la, khéo tu tập biến mãn tất cả thế gian thành tựu và an trụ’.

“Hôm nay Tỳ-sa-môn Đại thiên vương, sắc tượng nguy nga, ánh sáng rực rỡ, lúc đêm gần về sáng, đi đến nhà Thủ Trưởng giả, nói:

“– Này Trưởng giả, ông có đại thiện lợi, có đại công đức. Vì sao thế? Hôm nay ở cõi Tam Thập Tam Thiên vì Trưởng giả mà tập trung tại pháp đường xuýt xoa khen ngợi: ‘Thủ Trưởng giả ấy có đại thiện lợi, có đại công đức. Vì sao thế? Này Chư Hiền, vì Thủ Trưởng giả ấy, sau khi được Đức Phật thuyết pháp, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, ông liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi ra đi. Trở về nhà, khi từ cổng ngoài, nếu có gặp người nào, ông đều thuyết pháp cho, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Khi đến trong cổng ngõ giữa, cổng nhỏ trong nhà và đến bên trong nhà, nếu gặp người nào ông đều thuyết pháp cho, khuyến phát, khát ngưỡng, [484b] thành tựu hoan hỷ. Sau khi vào nhà, trải giường, ngồi kiết già, tâm câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không nhuế, không oán, không tránh, rộng lớn bao la vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với bi và hỷ; tâm câu hữu với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, rộng lớn bao la, khéo tu tập biến mãn tất cả thế gian thành tựu và an trụ.

“Bấy giờ Thủ Trưởng giả im lặng không nói gì cả, không ngắm, không nhìn Tỳ-sa-môn Đại thiên vương. Vì sao thế? Vì tôn trọng định tâm và để thủ hộ địng tâm của mình.”

Bấy giờ Thủ Trưởng giả thưa với thầy Tỳ-kheo rằng:

“Bạch Tôn giả lúc bấy giờ không có người bạch y nào chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Không có người bạch y nào.”

Và hỏi lại:

“Nếu có người bạch y thì sẽ có sai lầm gì?”

Trưởng giả đáp:

“Bạch Tôn giả, hoặc có người không tin lời của Đức Thế Tôn; người ấy sẽ ấy sẽ trong lâu dài không được lợi ích, không được an ổn[111], sanh vào chỗ cực ác, thọ vô lượng khổ. Nếu kẻ nào tin lời Đức Thế Tôn người ấy do việc đó sẽ cung kính lễ bái con. Bạch Tôn giả, con cũng không thích được như vậy. Bạch Tôn giả, mời ở lại đây thọ thực.”

Tỳ-kheo ấy im lặng nhận lời. Sau khi biết Tỳ-kheo đã im lặng nhận lời, Trưởng giả Úc-già liền từ chỗ ngồi đứng dậy, tự mình múc nước rửa tay, rồi đem tất cả rất nhiều món ăn cứng và mềm rất mỹ diệu tinh khiết, ngon lành, tự tay hầu sớt, để cho Tỳ-kheo ăn được no đủ. Ăn xong, dọn cất đồ đạc và dùng nước rồi, lấy một giường nhỏ ngồi riêng để nghe pháp.

Thầy Tỳ-kheo thuyết pháp cho Trưởng giả, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho ông, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, Tỳ-kheo liền từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi. Đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật rồi ngồi sang một bên, rồi đem trình bày đầy đủ lại cuộc thảo luận giữa thầy và Thủ Trưởng giả lên Đức Phật.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các thầy Tỳ-kheo rằng:

“Ta vì cớ ấy mà khen Thủ Trưởng giả có bảy pháp vị tằng hữu. Lại nữa, Thủ Trưởng giả có pháp vị tằng hữu thứ tám là Thủ Trưởng giả vô cầu, vô dục.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

Thursday, December 2, 2010

SÁM QUY MẠNG



Thích Nữ Trí Hải dịch

Quy mạng lễ muời phương Chư Phật

Diễn Pháp mầu như thật sâu xa

Quy y Thánh chúng Tăng già

Xin thương đoái tưởng hằng xa hữu tình

Chúng con những tự mình phản bội

Lỡ sa chân chìm nổi sông mê

Bao phen sanh tử não nề

Lại theo danh sắc mà mê đắm hoài

Bởi ngu si tạo mười trói buộc

Là nhân gây nên cuộc thương đau

căn trần sáu mối duyên đầu

Khiến xui con tạo biết bao lỗi lầm

Lạc nẻo tà trôi lăn khổ hải

Chấp ngã, nhơn xa trái đường ngay

Bao nhiêu nghiệp chướng dẫy đầy

Dưới chân Từ Phụ trải bày tâm can

Kính lạy đấng tình thương vô thượng

Con nguyện xin sám vạn lầm mê

Tay vàng duỗi cánh từ bi

Cứu con thoát ngục ngu si não phiền

Xin kiếp này đủ duyên phước đức

Mong đời sau thần thức chớ quên

Sanh nơi chánh Pháp lưu truyền

Trưởng thành được gặp thánh hiền minh sư

Tin pháp mầu khiến ưa xuất thế

Tuổi xanh chưa nhiễm uế hồng trần

Sáu căn phát tiết tinh thần

Thân, lời, ý thảy thuần thành thoát ly

Duyên đời chẳng chút chi giao động

Hạnh sạch làu tợ bóng trăng thanh

Uy nghi cử động nghiêm minh

Không làm tổn hại sanh linh muỗi mòng

Tám nạn dữ thời không mắc vướng

Bốn duyên lành tăng trưởng càng thêm

Xuất trần trí tuệ cao thâm

Chẳng duyên gì khiến lui tâm Bồ Đề

Nương Pháp Phật quay về chơn tánh

Lục độ cùng vạn hạnh Pháp môn

Thảy đều ứng dụng lưu thông

Khiến cho vĩnh viễn thoát vòng trầm luân

Khai đạo tràng hiển chân, phá vọng

Dẹp tan muôn trùng sóng hoài nghi

Quần ma úy phục theo về

Ba ngôi báu thịnh như kỳ tượng sơ

Hành Phật sự không giờ phút chán

Pháp môn tu tám vạn đều thông

Rộng gieo phước huệ khắp cùng

Cho muôn cõi nước đều mong ơn lành

Đắc lục thông viên thành Phật quả

Con nguyền không lìa xả chúng sanh

Mà quay về cõi điêu linh

Noi gương Quán Thế, Phổ Hiền chư tôn

Ở cõi này và muôn cõi khác

Hóa thân nhiều như cát biển Đông

Tùy loài, tùy nghiệp, ngữ ngôn

Mà khai diệu pháp cứu cơn khổ nàn

Hoặc ở chốn cơ hàn địa ngục

Đói triền miên lạnh buốt xương da

Hoặc là bị khổ hình gia

Từ bi vô ngại hiển ra pháp mầu

Khiến người kẻ hoặc dầu thấy tướng

Hoặc nghe danh nghiệp chướng liền tiêu

Phát tâm vô thượng cao siêu

Luân hồi khổ rụng như chiều lá thu

Rừng thơm hương biến từ sỏi đá

Địa ngục bừng khai đóa bạch liên

Người trong hỏa ngục hiện tiền

Nhờ nương thần lực sanh liền lạc bang

Loài súc sanh lỡ mang phải lốt

Bị nợ nần hoặc chuốt oan khiên

Từ quang pháp lực vô biên

Làm cho tiêu sạch lụy phiền đắng cay

Gặp thời dịch hóa ngay cỏ thuốc

Cứu bệnh nguy thần dược kề môi

Hay khi đói kém cơ trời

Xin nguyền hóa lúa khắp nơi khốn cùng

Với muôn loài nhất tâm phụng sự

Lại cầu cho bạn lữ gần xa

Người thân thuộc, kẻ oan gia

Vĩnh ly sanh tử vượt qua ái triền

Cùng chúng sanh đồng lên bến giác

Tánh hư không dù mất vô biên

Nguyện con vô tận triền miên

Mong cho tất cả đồng nên Bồ Đề.