Wednesday, September 8, 2010

KINH PHẠM CHÍ ĐÀ-NHIÊN

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại thành Vương Xá trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa, cùng chúng Đại Tỳ-kheo an cư mùa mưa.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất đang ở nước Xá-vệ cũng an cư mùa mưa.

Lúc ấy, có một Tỳ-kheo ở thành Vương Xá, sau khi trải qua ba tháng an cư mùa mưa xong, vá sửa lại các y, rồi xếp y, ôm bát từ thành Vương Xá đi đến nước Xá-vệ, ở trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Tỳ-kheo ấy đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, [456b] cúi đầu đảnh lễ dưới chân rồi ngồi sang một bên.

Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi:

“Này Hiền giả, Thế Tôn an cư tại thành Vương Xá. Thánh thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường không?”

Vị Tỳ-kheo đáp:

“Thật vậy, bạch Tôn giả Xá-lợi-phất. Thế Tôn an cư tại thành Vương Xá. Thánh thể được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái và khí lực bình thường”.

Lại hỏi:

Này Hiền giả, đại chúng Tỳ-kheo và đại chúng Tỳ-kheo-ni an cư mùa mưa tại thành Vương xá; Thánh thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường không? Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp không

Đáp:

Thật vậy, bạch Tôn giả Xá-lợi-phất. Đại chúng Tỳ-kheo và đại chúng Tỳ-kheo-ni an cư mùa mưa tại thành Vương xá; Thánh thể an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường. Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp.

Lại hỏi:

“Này Hiền giả, chúng Ưu-bà-tắc và chúng Ưu-bà-di trú tại thành Vương Xá, thân thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường không? Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp không?”

Đáp:

“Thật vậy, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất. Chúng Ưu-bà-tắc và chúng Ưu-bà-di trú tại thành Vương Xá, thân thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường. Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp”.

Lại hỏi:

“Này Hiền giả, tất cả các Sa-môn, Bà-la-môn, dị học an cư mùa mưa tại thành Vương xá, thân thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường không? Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp không?”

Trả lời rằng:

“Thật vậy, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, tất cả các Sa-môn, Bà-la-môn, dị học an cư mùa mưa tại thành Vương xá, thân thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường. Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp”.

Lại hỏi rằng:

Này Hiền giả, tại thành Vương Xá có một Bà-la-môn tên là Đà-nhiên[67], vốn là bạn của tôi trước kia tôi chưa xuất gia; Hiền giả có biết vị ấy không?

Trả lời rằng:

“Thưa có biết”.

Lại hỏi rằng:

“Hiền giả, Bà-la-môn Đà-nhiên ở thành Vương Xá, thân thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường không? Có thường xuyên thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp không?”

Đáp:

Tôn giả Xá-lợi-phất, Bà-la-môn Đà-nhiên ở thành Vương Xá, thân thể an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái,[456c] khí lực bình thường. Nhưng ông ấy không muốn thăm viếng Đức Phật và không ưa nghe pháp.

“Vì sao thế?”

“Tôn giả Xá-lợi-phất, Bà-la-môn Đà-nhiên không tinh tấn, phạm vào các cấm giới. Ông ấy dựa thế Vua để dối gạt[68] các Bà-la-môn, Cư sĩ; dựa thế các Bà-la-môn, cư sĩ để dối gạt Vua”.

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe rồi, và ba tháng an cư mùa mưa ở nước Xá-vệ đã qua, sau khi vá sửa các y, ngài xếp y, ôm bát từ nước Xá-vệ đi đến thành Vương Xá, ở trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa.

Bấy giờ đêm đã qua, vào lúc sáng sớm, Tôn giả Xá-lợi-phất, khoác y, ôm bát vào thành Xá-vệ, lần lượt đi khất thực. Sau khi khất thực xong, ngài đi đến nhà của Bà-la-môn Đà-nhiên.

Lúc ấy, Bà-la-môn Đà-nhiên từ nhà đi ra, đến bên bờ suối, đang hành hạ cư dân[69]. Bà-la-môn Đà-nhiên từ xa trông thấy Tôn giả Xá-lợi-phất, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai sửa áo, chắp tay hướng đến Tôn giả giả Xá-lợi-phất mà tán thán rằng:

“Kính chào Xá-lợi-phất, đã lâu lắm rồi Xá-lợi-phất không đến đây”.

Rồi Bà-la-môn Đà-nhiên, với lòng cung kính, ôm Tôn giả Xá-lợi-phất dìu vào nhà, trải giường đẹp mà mời ngồi. Tôn giả Xá-lợi-phất liền ngồi trên giường đó. Bà-la-môn Đà-nhiên thấy Tôn giả Xá-lợi-phất đã ngồi xuống, liền bưng một cái chậu sữa bằng vàng[70] mời Tôn giả Xá-lợi-phất ăn. Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

“Thôi, thôi, Đà-nhiên, chỉ trong lòng vui là đủ!”

Bà-la-môn Đà-nhiên lặp lại ba lần mời ăn. Tôn giả Xá-lợi-phất cũng ba lần nói rằng:

“Thôi, thôi, Đà-nhiên, chỉ trong lòng vui là đủ!”

Lúc đó Bà-la-môn Đà-nhiên nói rằng:

“Xá-lợi-phất, cớ gì vào nhà như thế này mà chẳng chịu ăn?”

Đáp:

“Này Đà-nhiên, ông không tinh tấn lại phạm vào các giới cấm. Dựa thế vào Vua để dối gạt Bà-la-môn, Cư sĩ; dựa thế Bà-la-môn, Cư sĩ để dối gạt Vua”.

Bà-la-môn Đà-nhiên trả lời rằng:

Xá-lợi-phất, nên biết, nay tôi còn sống tại gia, lấy gia nghiệp làm bổn phận. Tôi còn phải lo cho mình được an ổn, cung cấp cha mẹ, săn sóc vợ con, cung cấp nô tỳ, phải nộp thuế cho Vua, thờ tự thiên thần, cúng tế tổ tiên, và còn phải bố thí cho các Sa-môn, Bà-la-môn để sau này còn được sanh lên các cõi trời, mong được trường thọ, được quả báo an lạc. Xá-lợi-phất, các việc ấy không thể nào bỏ đi, một mực theo đúng pháp.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất bảo rằng:

Này Đà-nhiên, nay tôi hỏi ông, tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Bà-la-môn Đà-nhiên, ông nghĩ thế nào? Nếu có người vì cha mẹ mà [457a] tạo các việc ác. Vì tạo ác nên khi thân hoại mạng chung nó đi thẳng vào cõi ác, sanh vào địa ngục. Sanh vào địa ngục rồi, khi ngục tốt bắt trói hành hạ rất khổ sở, người ấy nói với ngục tốt thế này: Ngục tốt, hãy biết cho, chớ hành hạ tôi. Vì sao? Tôi đã vì cha mẹ mà tạo các nghiệp ác. Thế nào, Đà-nhiên, người ấy có thể thoát khỏi sự khổ sở ấy bởi ngục tốt không?

Bà-la-môn Đà-nhiên trả lời rằng:

“Không thể”.

Lại hỏi:

“Này Đà-nhiên, ông nghĩ thế nào? Nếu có người vì vợ con mà tạo các việc ác. Vì tạo ác nên khi thân hoại mạng chung, nó đi thẳng vào cõi dữ, sanh vào địa ngục. Sanh vào địa ngục rồi, khi bị ngục tốt bắt trói, hành hạ rất khổ sở, người ấy nói với ngục tốt như thế này: ‘Ngục tốt, hãy biết cho, chớ hành hạ tôi. Vì sao? Tôi đã vì vợ con mà tạo các nghiệp ác’. Thế nào, Đà-nhiên, người ấy có thể nào thoát khỏi sự khổ sở ấy với ngục tốt không?”

Bà-la-môn Đà-nhiên trả lời rằng:

“Không thể”.

Lại hỏi:

“Này Đà-nhiên, ông nghĩ thế nào? Nếu có người vì nô tỳ mà tạo các việc ác, vì tạo ác nên khi thân hoại mạng chung, nó đi thẳng vào cõi ác, sanh vào địa ngục. Sanh vào địa ngục rồi, khi bị ngục tốt bắt trói hành hạ rất khổ sở, người ấy nói với ngục tốt như thế này: ‘Ngục tốt, hãy biết cho, chớ hành hạ tôi. Vì sao? Tôi đã vì nô tỳ mà tạo các nghiệp ác’. Thế nào, Đà-nhiên, người ấy có thể nào thoát khỏi sự khổ sở ấy với ngục tốt không?”

Bà-la-môn Đà-nhiên trả lời rằng:

“Không thể”.

Lại hỏi:

“Này Đà-nhiên, ông nghĩ thế nào? Nếu có người vì quốc vương, vì thiên thần, vì tổ tiên, vì Sa-môn, Bà-la-môn mà tạo các việc ác. Vì tạo ác nên khi thân hoại mạng chung, nó đi thẳng vào cõi ác, sanh vào địa ngục. Sanh vào địa ngục rồi, khi bị ngục tốt bắt trói hành hạ rất khổ sở, người ấy nói với ngục tốt mà nói thế này: Ngục tốt, hãy biết cho, chớ hành hạ tôi. Vì sao? Tôi đã vì quốc vương, vì thiên thần, vì tổ tiên, vì Sa-môn, Bà-la-môn mà tạo các nghiệp ác. Thế nào, Đà-nhiên, người ấy có thể nào thoát khỏi sự khổ sở ấy với ngục tốt không?

Bà-la-môn Đà-nhiên trả lời rằng:

“Không thể”.

“Này Đà-nhiên, một thiện gia nam tử vẫn có thể như pháp, như nghiệp, như công đức [71] mà làm ra tiền của, để tôn trọng kính phụng, hiếu dưỡng cha mẹ, làm các việc phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác.

“Này Đà-nhiên, một thiện gia nam tử như pháp, như nghiệp, như công đức, mà làm ra tiền của, để tôn trọng, kính phụng, hiếu dưỡng cha mẹ, làm các việc phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác. Đà-nhiên, nếu một thiện gia nam tử như pháp, như nghiệp, như công đức mà làm ra tiền của, để tôn trọng kính phụng, hiếu dưỡng cha mẹ, làm các việc phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác, người ấy được cha mẹ [457b] thương yêu và nói thế này: ‘Mong cho con được mạnh khỏe, sống lâu vô cùng. Vì sao thế? Vì ta nhờ con nên được an ổn khoái lạc’. Này Đà-nhiên, nếu người nào được cha mẹ thương yêu rất mực, đức người đó ngày càng tăng thêm, không bao giờ suy giảm.

“Này Đà-nhiên, một thiện gia nam tử vẫn có thể như pháp, như nghiệp, như công đức mà làm ra tiền của, yêu thương và săn sóc vợ con, làm các nghiệp phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác.

Này Đà-nhiên, nếu một thiện gia nam tử như pháp, như nghiệp, như công đức, mà làm ra tiền của, yêu thương và săn sóc vợ con, làm các nghiệp phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác, người ấy được vợ con tôn trọng, và nói thế này: Mong cho tôn trưởng được mạnh khỏe, sống lâu vô cùng. Vì sao thế? Vì chúng tôi nhờ tôn trưởng nên được an ổn khoái lạc. Này Đà-nhiên, nếu người nào được vợ con tôn trọng rất mực, đức người đó ngày càng tăng thêm, không bao giờ suy giảm.

“Này Đà-nhiên, một thiện gia nam tử vẫn có thể như pháp, như nghiệp, như công đức mà làm ra tiền của, yêu thương, chu cấp và săn sóc nô tỳ, làm các nghiệp phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác.

“Này Đà-nhiên, nếu một thiện gia nam tử như pháp, như nghiệp, như công đức, mà làm ra tiền của, yêu thương, chu cấp và săn sóc nô tỳ, làm các nghiệp phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác, người ấy được nô tỳ tôn trọng, và nói thế này: ‘Mong cho đại gia được mạnh khỏe, sống lâu vô cùng. Vì sao thế? Vì chúng tôi nhờ đại gia nên được an ổn’. Này Đà-nhiên, nếu người nào được nô tỳ tôn trọng rất mực, đức người đó ngày càng tăng thêm, không bao giờ suy giảm.

Này Đà-nhiên, một thiện gia nam tử vẫn có thể như pháp, như nghiệp, như công đức mà làm ra tiền của, tôn trọng cúng dường các vị Sa-môn, Bà-la-môn, làm các nghiệp phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác.

“Này Đà-nhiên, nếu một thiện gia nam tử như pháp, như nghiệp, như công đức, mà làm ra tiền của, tôn trọng cúng dường các vị Sa-môn, Bà-la-môn, làm các nghiệp phước đức chớ chẳng gây nghiệp ác, người ấy được các Sa-môn, Bà-la-môn yêu mến rất mực, và nói thế này: ‘Mong cho thí chủ được mạnh khỏe, sống lâu vô cùng. Vì sao thế? Vì chúng tôi nhờ thí chủ nên được an hưởng khoái lạc’. Này Đà-nhiên, nếu người nào được các Sa-môn, Bà-la-môn yêu mến rất mực, đức người đó ngày càng tăng thêm, không bao giờ suy giảm”.

Bấy giờ Bà-la-môn Đà-nhiên liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai sửa áo, chắp tay hướng về phía Xá-lợi-phất thưa rằng:

Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, tôi có người vợ yêu tên là Đoan Chánh[72]. Tôi vì say mê nó nên đã buông lung, tạo quá nhiều ác nghiệp tội lỗi. Thưa [457c] Tôn giả Xá-lợi-phất, bắt đầu từ đây tôi bỏ người vợ Đoan Chánh kia, xin quy y với Tôn giả Xá-lợi-phất”.

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời rằng:

Này Đà-nhiên, ông chớ quy y tôi. Ông nên quy y nơi Phật là Đấng mà tôi quy y”.

Bà-la-môn Đà-nhiên thưa rằng:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, từ hôm nay tôi xin quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Cúi mong Tôn giả Xá-lợi-phất nhận tôi làm Ưu-bà-tắc của Phật; trọn đời xin tự quy y cho đến mạng chung”.

Thế rồi Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết pháp cho Bà-la-môn Đà-nhiên, khai thị, giáo giới, khích lệ, làm cho hoan hỷ. Sau khi dùng vô lượng phương tiện để thuyết pháp khai thị, giáo giới, khích lệ, làm cho hoan hỷ, Ngài liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến thành Vương Xá.

Ở đây được vài ngày, ngài xếp y, ôm bát rời thành Vương xá ra đi, đến Nam sơn[73], trụ trong rừng Thi-nhiếp-hòa[74], thuộc phía Bắc thôn Nam sơn.

Bấy giờ có một vị Tỳ-kheo đi đến thành Vương Xá. Ở đây được vài ngày, xếp y ôm bát từ thành Vương xá ra đi, đến Nam sơn cũng trụ trong rừng Thi-nhiếp-hòa, thuộc phía Bắc thôn Nam sơn.

Rồi vị Tỳ-kheo ấy đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, cúi đầu đảnh lễ dưới chân rồi ngồi sang một bên. Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi rằng:

“Hiền giả từ nơi nào tới đây và trú ở đâu?”

Tỳ-kheo ấy trả lời rằng:

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, tôi từ thành Vương Xá đi đến đây và trú ở thành Vương Xá”.

Lại hỏi rằng:

“Hiền giả ngài có biết Bà-la-môn Đà-nhiên ở thành Vương Xá, vốn là bạn của tôi xưa kia lúc tôi chưa xuất gia không?”

“Thưa có biết”.

Lại hỏi rằng:

“Này hiền giả, Bà-la-môn Đà-nhiên ở thành Vương Xá, thân thể có được an khang khỏe mạnh, không bệnh tật, đi lại thoải mái, khí lực bình thường và có thường thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp không?”

Trả lời rằng:

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, Bà-la-môn Đà-nhiên thường đến thăm viếng Đức Phật và mong muốn được nghe pháp; nhưng không được khỏe mạnh, khí lực dần dần suy yếu. Vì sao vậy? Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, hiện giờ Bà-la-môn Đà-nhiên mang tật bệnh rất khốn khổ, nguy hiểm khôn chừng, do đó có thể mạng chung”.

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe xong lời ấy, liền xếp y ôm bát rời Nam sơn ra đi, đến thành Vương Xá, trú trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa. Bấy giờ đêm đã qua, vào lúc sáng sớm, Tôn giả Xá-lợi-phất khoác y, ôm bát đi đến nhà Bà-la-môn Đà-nhiên. Bà-la-môn Đà-nhiên từ đằng xa trông thấy Tôn giả Xá-lợi-phất đi đến, muốn rời giường đứng dậy. Tôn giả Xá-lợi-phất thấy Bà-la-môn Đà-nhiên muốn rời giường đứng dậy, liền ngăn ông ấy rằng:

“Này Bà-la-môn Đà-nhiên, ông cứ nằm, đừng đứng dậy. [458a] Đã có giường khác đây, rồi tôi sẽ ngồi riêng”.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất liền ngồi xuống giường ấy, rồi bảo rằng:

“Hôm nay bệnh tình ra sao? Ăn uống được nhiều ít? Sự đau đớn bớt dần, không đến nỗi tăng thêm chăng?”

Đà-nhiên trả lời rằng:

“Bệnh tình con rất là khốn đốn, ăn uống chẳng được gì cả; đau đớn chỉ tăng thêm mà không thấy giảm bớt tí nào. Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, giống như người lực sĩ đem con dao bén nhọn đâm vào đầu, chỉ sanh sự khốn khổ quá mức thôi. Đầu con hôm nay cũng nhức nhối giống như vậy. Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, cũng như lực sĩ lấy sợi dây thừng chắt đem quấn riết chung quanh đầu, chỉ sanh sự khốn khổ quá mức. Đầu con hôm nay cũng nhức nhối giống như vậy. Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, cũng như người mổ trâu, đem con dao bén mổ bụng trâu, chỉ sanh sự đau đớn quá mức. Bụng con hôm nay cũng quặn đau giống như vậy. Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, cũng như hai lực sĩ bắt một người ốm yếu đem nướng trên ngọn lửa, chỉ sanh ra sự đau khổ đến cùng cực. Thân thể con hôm nay đau đớn, cả mình sanh ra khổ sở, chỉ tăng thêm chớ không giảm bớt; cũng giống như vậy”.

Tôn giả Xá-lợi-phất bảo rằng:

Này Đà-nhiên, bây giờ tôi hỏi ông, tùy sự hiểu biết mà ông trả lời. Này Bà-la-môn Đà-nhiên, địa ngục và súc sanh, nơi nào tốt đẹp hơn?

Đà-nhiên trả lời rằng:

Súc sanh tốt đẹp hơn”.

Lại hỏi rằng:

“Này Đà-nhiên, súc sanh và ngạ quỉ, loài nào tốt đẹp hơn?”

Đà-nhiên trả lời rằng:

Ngạ quỉ tốt đẹp hơn”.

Lại hỏi rằng:

“Này Đà-nhiên, ngạ quỉ và loài người, loài nào tốt đẹp hơn?”

Đà-nhiên trả lời rằng:

Loài người tốt đẹp hơn”.

Lại hỏi rằng:

“Này Đà-nhiên, người và Tứ Vương thiên, cõi nào tốt đẹp hơn?”

Đà-nhiên trả lời rằng:

Tứ thiên vương tốt đẹp hơn”.

Lại hỏi rằng:

Này Đà-nhiên, Tứ Vương thiên và Tam Thập Tam thiên, cõi nào tốt đẹp?

Đà-nhiên trả lời rằng:

Tam Thập Tam thiên tốt đẹp hơn”.

Lại hỏi rằng:

“Tam Thập Tam thiên với Diệm-ma thiên cõi nào tốt đẹp hơn?”

Đà-nhiên trả lời rằng:

Diệm-ma thiên tốt đẹp hơn.”

Lại hỏi rằng:

“Này Đà-nhiên, Diệm-ma thiên với Đâu-suất-đà thiên, cõi nào tốt đẹp hơn?”

Đà-nhiên trả lời rằng:

Đâu-suất-đà thiên tốt đẹp hơn”.

Lại hỏi rằng:

“Này Đà-nhiên, Đâu-suất-đà thiên với Hóa Lạc thiên cõi nào tốt đẹp hơn?”

Đà-nhiên trả lời rằng:

Hóa Lạc thiên tốt đẹp hơn”.

Lại hỏi rằng:

“Này Đà-nhiên, Hóa Lạc thiên với Tha Hóa lạc thiên, cõi nào tốt đẹp hơn?”

Đà-nhiên trả lời rằng:

Tha Hóa Lạc thiên tốt dẹp hơn.”

Này Đà-nhiên, Tha Hóa lạc thiên với Phạm thiên cõi nào tốt đẹp hơn?

Đà-nhiên trả lời rằng:

Phạm thiên là tốt đẹp hơn cả. Phạm thiên là tối Thắng Lâm”.

Tôn giả Xá-lợi-phất bảo rằng:

“Đức Thế Tôn là bậc tri kiến, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, có nói về bốn Phạm trụ[75]. Nếu một thiện gia nam tử hay một thiện gia nữ tử nào tu tập nhiều, đoạn dục, xả niệm tưởng về dục, khi thân hoại mạng chung [458b]sẽ sanh lên cõi Phạm thiên. Những gì là bốn?

Này Đà-nhiên, Thánh đệ tử đa văn có tâm câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với hai, ba bốn phương, tứ duy và thượng hạ, thấu khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không oán, không sân hận, không não hại, bao la, quảng đại, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn khắp tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, tâm câu hữu với bi, hỷ; với xả, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với hai, ba bốn phương, tứ duy và thượng hạ, thấu khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không oán, không sân hận, không não hại, bao la, quảng đại, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn khắp tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Đà-nhiên, đó là Đức Thế Tôn, là bậc Tri Kiến, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, có nói về bốn Phạm trụ. Nếu một thiện gia nam tử hay một thiện gia nữ nào tu tập nhiều, đoạn dục, xả niệm tưởng về dục, khi thân hoại mạng chung sẽ sanh lên cõi Phạm thiên.

Bấy giờ, sau khi giáo hóa cho Đà-nhiên, nói về pháp Phạm thiên, Tôn giả Xá-lợi-phất từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi. Tôn giả Xá-lợi-phất từ thành Vương Xá đi, chưa đến Trúc lâm vườn Ca-lan-đa, đang nửa đường ấy, Bà-la-môn Đà-nhiên do tu tập bốn Phạm trụ, đoạn dục, xả dục niệm, thân hoại mạng chung sanh lên cõi Phạm thiên.

Bấy giờ Đức Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô lượng đại chúng đang vây quanh trước sau. Đức Thế Tôn thấy Tôn giả Xá-lợi-phất từ đàng xa đi tới, nói với các thầy Tỳ-kheo rằng:

Tỳ-kheo Xá-lợi-phất là bậc thông tuệ, tốc tuệ, tiệp tuệ, lợi tuệ, quảng tuệ, thâm tuệ, xuất yếu tuệ, minh đạt tuệ, biện tài tuệ[76]; Tỳ-kheo Xá-lợi-phất đã thành tựu thật tuệ. Tỳ-kheo Xá-lợi-phất đã giáo hóa Bà-la-môn Đà-nhiên, nói về Phạm thiên rồi mới về đây. Nếu lại giáo hóa cao hơn nữa thì người kia nhanh chóng biết pháp tùy pháp[77]”.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân rồi ngồi sang một bên. Đức Thế Tôn bảo rằng:

Này Xá-lợi-phất, vì sao ông không giáo hóa Bà-la-môn Đà-nhiên bằng một pháp cao hơn Phạm thiên? Nếu ông giáo hóa cao hơn thì người kia sẽ nhanh chóng biết pháp tùy pháp”.

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa rằng:

Bạch Thế Tôn, các Bà-la-môn từ lâu đời ái trước Phạm thiên, ưa thích Phạm thiên, cho Phạm thiên là rốt ráo, Phạm thiên là tôn quý, thật có Phạm thiên là Phạm thiên của ta. Do đó, bạch Thế Tôn, nên con đã giáo hóa như vậy”.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả Xá-lợi-phất và vô lượng trăm nghìn đại chúng, sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

KINH CÙ-NI-SƯ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại thành Vương Xá, trong rừng Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đa.

Bấy giờ Tỳ-kheo Cù-ni-sư[54] cũng trú tại thành Vương xá, là người sống trong rừng[55], cười đùa kiêu ngạo, tháo động, không chánh niệm như khỉ vượn[56]. Tỳ-kheo Cù-ni-sư vì có chút việc nên đến thành Vương Xá.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất [455a] cùng với chúng Tỳ-kheo sau giờ ăn trưa, vì có chút việc nên vân tập tại giảng đường. Tỳ-kheo Cù-ni-sư sau khi đã làm xong việc trong thành Vương Xá, đi đến giảng đường. Tôn giả Xá-lợi-phất từ đằng xa trong thấy Cù-ni-sư đi đến. Nhân Cù-ni-sư mà bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Này Chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự[57], sống ở nơi vô sự, phải học sự kính trọng và biết tùy thuận quán sát[58]. Này Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà phần nhiều không kính trọng, không biết tùy thuận quán sát, vị ấy sẽ bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự nhưng phần nhiều lại không biết kính trọng, không biết tùy thuận quán sát. Nếu đến ở trong đại chúng, vị ấy cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này Chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học kính trọng và biết tùy thuận quán.

“Này Chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học hạnh không cười giỡn, không tháo động[59]. Này Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà hay cười giỡn, tháo động, thì sẽ bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự nhưng hay cười giỡn, tháo động’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học hạnh không cười giỡn, không tháo động.

“Này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học hạnh không nói những đề tài súc sanh[60]. Này Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà hay nói những vấn đề súc sanh, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự nhưng hay nói những đề tài súc sanh’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học không nói những đề tài súc sanh.

“Này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học không kiêu ngạo và ít nói năng. Này Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà hay kiêu ngạo và nói năng nhiều sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà lại hay kiêu ngạo và nói năng nhiều’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học không kiêu ngạo và ít nói năng.

[455b] “Này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học thủ hộ các căn. Này Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà phần nhiều không chịu thủ hộ các căn, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà phần nhiều không chịu thủ hộ các căn. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học thủ hộ các căn.

“Này Chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học biết đủ trong sự ăn uống. Này Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà ham ăn quá dư, quá nhiều, không biết đủ, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà ham ăn quá dư, quá nhiều, không biết đủ’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học biết đủ trong sự ăn uống.

“Này Chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học tinh tấn không giải đãi. Này Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà lại thường không tinh tấn, hay giải đãi, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà thường không tinh tấn, trái lại còn giải đãi’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học tinh tấn, không giải đãi.

Này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học chánh niệm và chánh trí. Này Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà không học chánh niệm chánh trí, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà thường không có chánh niệm chánh trí. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học chánh niệm chánh trí.

Này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học biết thời và đúng thời; không đi vào thôn khất thực quá sớm, cũng chẳng trở về quá trễ. Này Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà vào [455c] thôn khất thực quá sớm và trở về quá trễ, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà vào thôn khất thực quá sớm và trở về quá trễ’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học biết thời và đúng thời.

“Này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học biết ngồi và ngồi đúng chỗ; không lấn chỗ ngồi của vị Trưởng lão, bị Tỳ-kheo nhỏ khiển trách[61]. Này Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà chiếm chỗ ngồi của bậc trưởng lão, bị các Tỳ-kheo nhỏ chỉ trích, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà chiếm chỗ ngồi của các bậc trưởng lão, bị các Tỳ-kheo nhỏ chỉ trích’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học biết ngồi và ngồi đúng chỗ.

“Này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học thảo luận về Luật và A-tì-đàm[62]. Vì sao thế. Này Chư Hiền, khi Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự, hoặc có người đến hỏi về Luật và A-tì-đàm. Này Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự mà không biết trả lời về Luật và A-tì-đàm, thì làm cho các Tỳ-kheo khác thường chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự nhưng không biết trả lời về Luật và A-tì-đàm’. Nếu đến ở giữa đại chúng cũng làm cho các Tỳ-kheo thường chỉ trích cật vấn. Do đó, này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự nên học thảo luận về Luật và A-tì-đàm.

Này Chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học thảo luận về tịch tĩnh giải thoát[63] và ly sắc[64] cho đến vô sắc định[65]. Vì sao thế? Này Chư Hiền, khi Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự, hoặc có người đến hỏi về tịch tĩnh giải thoát và ly sắc cho đến vô sắc định. Này Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự mà không biết trả lời về tịch tĩnh giải thoát và ly sắc cho đến vô sắc định thì làm cho các Tỳ-kheo khác thường chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự này mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự nhưng không biết trả lời về tịch tĩnh giải thoát và ly sắc cho đến vô sắc định’. Nếu đến ở giữa đại chúng cũng làm cho các Tỳ-kheo thường chỉ trích cật vấn. Do đó, này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự [456a] sống ở nơi vô sự nên học thảo luận về tịch tĩnh giải thoát và ly sắc cho đến vô sắc định.

“Này Chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học thảo luận về lậu tận trí thông. Vì sao thế. Này Chư Hiền, khi Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự, hoặc có người đến hỏi về lậu tận trí thông. Này Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự mà không biết trả lời về lậu tận trí thông, thì làm cho các Tỳ-kheo khác thường chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự này mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự nhưng không biết trả lời về lậu tận trí thông’. Nếu đến ở giữa đại chúng cũng làm cho các Tỳ-kheo thường chỉ trích cật vấn. Do đó, này Chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự nên học thảo luận về lậu tận trí thông”.

Lúc ấy, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cũng hiện diện trong đại chúng. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên thưa rằng:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, chỉ những Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự mới nên học những pháp như vậy, chứ không phải là những Tỳ-kheo ở giữa người đời[66] sao?”

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời rằng:

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự còn nên học những pháp như vậy huống gì là Tỳ-kheo sống giữa nhân gian?

Như vậy hai vị Tôn giả cùng khen tán lẫn nhau, tán thán “Lành thay!” Sau khi nghe những điều được nói, từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.

Kính trọng, không cười cợt,

Không phiếm luận, kiêu ngạo,

Hộ căn, ăn biết đủ,

Tinh tấn, chánh niệm, trí,

Biết thời, ngồi đúng chỗ,

Thảo luận Luật, Tỳ-đàm,

Và tịch tĩnh giải thoát,

Lậu tận thông cũng vậy.

Monday, September 6, 2010

KINH THỦY DỤ (2)

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo rằng:

Này Chư Hiền, hôm nay tôi sẽ nói năm pháp trừ não[48] cho các vị. Hãy lắng nghe, hãy khéo suy nghĩ!

Các vị Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe.

Tôn giả Xá-lợi-phất nói rằng:

(i) “Những gì là năm? Này Chư Hiền, hoặc có một người thân hành không thanh tịnh, nhưng khẩu hành thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ[49].

“Lại nữa, này Chư Hiền, hoặc một người hoặc khẩu hành không thanh tịnh nhưng thân hành thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ.

“Lại nữa, này Chư Hiền, hoặc một người thân hành không thanh tịnh, khẩu hành không thanh tịnh, nhưng tâm có chút thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ.

“Lại nữa, này Chư Hiền, hoặc một người thân hành không thanh tịnh, khẩu và ý hành không thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ.

“Lại nữa, này Chư Hiền, hoặc một người thân hành thanh tịnh, khẩu và ý hành thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ.

(ii.1) “Này Chư Hiền, hoặc có một người thân hành không thanh tịnh, nhưng khẩu hành thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ như thế nào?[50] Này Chư Hiền, cũng như Tỳ-kheo A-lan-nhã[51] thọ trì y áo phấn tảo[52], thấy vải xấu vất trong đống rác, bẩn dáy hoặc vì bị đại tiện; hoặc tiểu tiện, nước mũi, nước miếng và các đồ bất tịnh khác thấm bẩn. Thấy rồi, tay trái cầm lên; tay phải căng rộng ra; nếu chẳng phải bị đại tiện, tiểu tiện, nước mũi, nước miếng và các đồ bất tịnh khác thấm bẩn, lại không có rách lủng, liền xếp cất lấy. Cũng vậy, này Chư Hiền, đối với một người thân hành không thanh tịnh, nhưng khẩu hành thanh tịnh, chớ nghĩ thân hành không thanh tịnh, mà chỉ nghĩ đến khẩu hành thanh tịnh của người ấy. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ như vậy.

“Này Chư Hiền, hoặc một người hoặc khẩu hành không thanh tịnh nhưng thân hành thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận; nên trừ bỏ như thế nào? Này Chư Hiền, cũng như cách thôn xóm không xa, có hồ nước rất sâu, rêu cỏ che lấp. Có người đi đến, rất nóng bức, phiền muộn, đói khát, mệt mỏi, bị gió nóng bức bách. [454b] Người ấy đến nơi hồ, cởi áo để trên bờ, rồi nhảy xuống hồ, hai tay khoát rêu ra, khoan khoái mặc tình tắm rửa, trừ bỏ nóng bức, phiền muộn, đói khát, mệt mỏi. Cũng vậy, này Chư Hiền, đối với một người khẩu không tịnh hạnh, nhưng thân hành tịnh hạnh, chớ nghĩ về khẩu hành không thanh tịnh mà hãy nghĩ về thân hành thanh tịnh của người ấy. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận; nên đoạn trừ như vậy.

“Này Chư Hiền, hoặc một người thân hành không thanh tịnh, khẩu hành không thanh tịnh, nhưng tâm có chút thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ như thế nào? Này Chư Hiền, như trên con đường ngã tư có nước trong dấu chân trâu. Có một người đi đến, trong lúc đang quá nóng bức, phiền muộn, đói khát, mệt mỏi, gió nóng bức bách. Người ấy nghĩ thế này: Mặc dù nước trong lổ chân trâu ở ngã tư đường này ít, nếu ta dùng tay hoặc lá cây múc lấy, thì sẽ quậy thành đục ngầu, không thể trừ bỏ sự nóng bức vô cùng, phiền muộn, đói khát, mệt mỏi, cho ta. Ta hãy nên quỳ xuống, tay và đầu gối áp sát mặt đất, dùng miệng uống nước. Người ấy liền quỳ dài xuống, tay và đầu gối áp sát mặt đất, dùng miệng uống nước. Người ấy liền trừ được sự nóng bức vô cùng, phiền muộn, đói khát, mệt mỏi. Cũng vậy, này Chư Hiền, đối với người thân hành không thanh tịnh, khẩu hành không thanh tịnh, nhưng tâm có chút thanh tịnh, chớ nên nghĩ đến thân hành không thanh tịnh, khẩu hành không thanh tịnh, mà chỉ nên nghĩ đến tâm có chút thanh tịnh của người ấy. Này Chư Hiền, nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận; nên đoạn trừ như vậy.

“Này Chư Hiền, hoặc một người thân hành không thanh tịnh, khẩu và ý hành không thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ như thế nào? Này Chư Hiền, cũng như có người đi xa trên con đường dài; nửa đường mắc bệnh rất là khốn đốn, héo hắt, cô độc, không bạn bè; thôn xóm phía sau càng lúc càng xa mà thôn xóm phía trước lại chưa đến. Nếu có người đi đến, đứng bên cạnh, thấy người bộ hành này đi xa trên con đường dài, nửa đường mắc bệnh rất là khốn đốn, héo hắt, cô độc, không bạn bè, thôn xóm phía sau càng lúc càng xa mà thôn xóm phía trước thì chưa đến. Người kia nếu được người chăm sóc, từ giữa cánh đồng xa xôi dắt đến thôn ấp, cho uống thang thuốc hay, bồi dưỡng bằng đồ ngon mỹ diệu, được chăm sóc kỹ lưỡng; như vậy người ấy chắc chắn được lành bớt. Đó là người kia có lòng thương xót, có từ niệm đối với người bệnh này. Cũng vậy, này Chư Hiền, hoặc một người thân hành không thanh tịnh, khẩu và ý hành không thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, nên nghĩ thế này: ‘Vị này thân hành không thanh tịnh, khẩu và ý hành không thanh tịnh, đừng để cho vị này do bởi thân hành không thanh tịnh, khẩu và ý hành không thanh tịnh, mà khi thân hoại mạng chung thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Nếu vị này gặp thiện tri thức, [454c] sẽ bỏ thân hành không thanh tịnh để tu thân hành thanh tịnh; trừ bỏ khẩu và ý hành không thanh tịnh để tu khẩu và ý hành thanh tịnh. Do vậy, vị này sẽ do thân hành thanh tịnh, khẩu và ý hành thanh tịnh mà khi thân hoại mạng chung chắc chắn sanh đến thiện xứ, cho đến sanh thiên giới’. Đó là vị kia có lòng thương xót, có từ niệm đối với vị này. Nếu người có trí mà sanh lòng hờn giận, nên đoạn trừ như vậy.

“Này Chư Hiền, hoặc có một người thân hành thanh tịnh, khẩu và ý hành thanh tịnh. Nếu người có trí thấy, giả sử sanh hờn giận, phải nên trừ bỏ như thế nào? Này Chư Hiền, cũng như ngoài thôn xóm không xa, có hồ nước tốt, đã trong lại ngọt, đáy sâu bằng phẳng, đầy đặn, cỏ biếc ngập bờ, bốn phía có cây cỏ. Nếu có người đến, rất nóng bức, phiền muộn, đói khát, mệt mỏi, gió nóng bức bách. Người kia đến bờ rồi, cởi áo để trên bờ, nhảy xuống hồ, khoan khoái mặc tình tắm rửa, trừ bỏ sự nóng bức, phiền muộn, đói khát, mệt mỏi. Cũng vậy, này Chư Hiền, hoặc có một người thân hành thanh tịnh, khẩu và ý hành thanh tịnh, hãy thường nên nghĩ đến thân hành thanh tịnh, khẩu và ý hành thanh tịnh của người đó. Nếu người có trí thấy mà sanh hờn giận, nên trừ bỏ như vậy.

“Này Chư Hiền, năm pháp trừ não mà tôi vừa nói, chính do vậy mà được nói”.

Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả thuyết, hoan hỷ phụng hành.[53]